Báo chí, truyền thông: “Tiền đạo” chủ lực của bóng đá Việt Nam
Truyền thông được ví như “tiền đạo” trong sơ đồ 5-3-2 quen thuộc của bóng đá. Mô hình này đã được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra áp dụng, đồng thời phổ biến cho hầu hết các liên đoàn thành viên.
Truyền thông được ví như “tiền đạo” trong sơ đồ 5-3-2 quen thuộc của bóng đá. Mô hình này đã được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra áp dụng, đồng thời phổ biến cho hầu hết các liên đoàn thành viên. Theo đó, thủ môn là Liên đoàn Bóng đá quốc gia; các hậu vệ là tiếp thị thể thao, đào tạo bóng đá trẻ, HLV, trọng tài, y học thể thao; các tiền vệ là bóng đá nữ, bóng đá nam, bóng đá trong nhà. Cặp tiền đạo là cổ động viên và truyền thông.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, bóng đá thế giới nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng đều có sự đồng hành của truyền thông báo chí. Vì vậy, có thể khẳng định, truyền thông là một phần không thể tách rời, ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong bóng đá hiện đại. Từ đó, có thể thấy rằng AFC đặc biệt quan tâm yếu tố truyền thông, lực lượng mà AFC đánh giá cực kỳ quan trọng trong sơ đồ 5-3-2 vừa nêu trên. Bởi nếu, truyền thông không làm tốt vai trò cầu nối, công tác tiếp thị, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho bóng đá cũng không thể hoàn thiện và khi đó nguồn thu từ bóng đá cũng như các công tác chuyên môn tất yếu sẽ khó phát triển.
Những năm gần đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng các câu lạc bộ (CLB) trong nước đã quan tâm hơn tới công tác truyền thông và mối quan hệ này ngày càng phát triển hiệu quả. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như một cơ hội tuyệt vời xây dựng hình ảnh của đội tuyển quốc gia (ĐTQG), CLB, cầu thủ trước công chúng, người hâm mộ trong, ngoài nước. Đó sẽ là nền tảng, là “linh hồn” để xây dựng hình ảnh, khẳng định vị thế và thúc đẩy nền bóng đá nước nhà đứng vững bằng đôi chân của chính mình và phát triển, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ và toàn xã hội.
Không chỉ tăng cường sự hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước, VFF còn mở rộng sự phối hợp đối với các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế, các tổ chức bóng đá quốc tế, đặc biệt là FIFA và AFC. VFF cũng thay đổi phương thức tương tác để có sự chủ động hơn trong công tác truyền thông, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí để hướng tới sự phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Bóng đá Việt Nam cần đầu tư để xây dựng được những CLB mạnh, từ đó sẽ tạo ra nền tảng cho một ĐTQG mạnh. Giá trị về hình ảnh sẽ có sức mạnh, sức lan tỏa và thu hút lớn đối với khán giả cũng như những nhà đầu tư. Công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, tạo ra thương hiệu phải quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Ví như cách ứng xử với truyền thông của HLV, cầu thủ; tham gia các hoạt động quảng cáo hay sự đồng bộ, tính kỷ luật cao. Những động thái tích cực của nhiều CLB bóng đá trong nước đã cho thấy sự thay đổi về tư duy cũng như phương thức để phát triển hình ảnh của mỗi CLB.
Với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của “tiền đạo” báo chí nên các hoạt động của bóng đá nước nhà đã được chuyển tải phong phú, đa dạng tới người hâm mộ bóng đá trong nước và quốc tế, cùng góp sức nâng tầm phát triển của bóng đá Việt Nam./.