Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Bóng đá nữ châu Á hậu Asian Cup: Tương lai hứa hẹn!

Giải năm nay đã khép lại với chức vô địch thuộc về Nhật Bản. Việt Nam gây được tiếng vang lớn về công tác tổ chức. Tuy chênh lệch trình độ giữa 2 nhóm còn khá lớn, nhưng với sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ mạnh với “ngọn cờ đầu” Nhật Bản hứa hẹn sẽ biến châu Á trở thành thiên đường của bóng đá nữ thế giới.

Không quá khi cho rằng, Nhật Bản là đội gây ấn tượng mạnh nhất về chuyên môn. Các học trò của ông Sasaki Norio đã làm mê hoặc khán giả bằng lối chơi bóng nhỏ rất nhuyễn và có tính đột biến cao, khác với lối đá thiên về thể lực và sức mạnh của Australia. Chính HLV Trần Vân Phát của ĐT nữ Việt Nam cũng thừa nhận, bắt bài Nhật Bản khó hơn nhiều so với Australia. Sự khó lường của nhà ĐKVĐ thế giới là nhờ họ có lực lượng đồng đều về chuyên môn, kết hợp hài hòa giữa sức trẻ và kinh nghiệm, bản lĩnh của những cựu binh.
 
Với cách làm bóng đá bài bản, bóng đá nữ Nhật Bản liên tục hái quả ngọt

Ý chí thi đấu kiên cường cũng là vũ khí lợi hại khác giúp Nhật Bản lần đầu vô địch châu Á. Đoàn quân của ông Sasaki Norio luôn thi đấu với “tinh thần thép” trong mọi hoàn cảnh. Điển hình là ở 2 trận đấu với Australia. Vòng bảng, bị đối thủ dẫn trước tới 2 bàn nhưng bản lĩnh thi đấu đã giúp Nhật Bản gỡ hòa thành công. Hay ở trận chung kết, sự tỉnh táo cùng với ý chí không hề run sợ đã giúp nhà ĐKVĐ thế giới sau khi có bàn dẫn trước đứng vững được trước sức ép cực lớn của đối thủ. 

 
CHẬT CHỘI NHÓM ĐẠI GIA… 
Nhật Bản lên ngôi một cách xứng đáng nhưng không vì thế mà giới chuyên môn đánh giá thấp màn trình diễn của Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Thậm chí, nếu Trung Quốc và Australia may mắn hơn ở lần lượt bán kết và chung kết, rất có thể một trong 2 đội bóng này đã phá tan giấc mộng đăng cơ của Nhật Bản. 
 
Cần phải nhớ rằng Trung Quốc đang trong quá trình trẻ hóa và dự giải bằng đội hình “dành cho tương lai”, trong khi Australia bước vào VCK Asian Cup 2014 sau chỉ hơn nửa tháng bất ngờ thay HLV trưởng. Trong tương lai, Trung Quốc cùng Australia, Hàn Quốc sẽ tiếp tục sắm vai những đối thủ thách thức tham vọng thống trị bóng đá nữ châu Á của Nhật Bản. Sự sít sao về trình độ trong nhóm các đại gia của bóng đá nữ châu Á sẽ còn cao hơn khi một thế lực nữa là CHDCND Triều Tiên được FIFA cho phép trở lại tranh tài trong tương lai.
 
Sự cạnh tranh quyết liệt của những đối thủ mạnh với “ngọn cờ đầu” là nhà ĐKVĐ World Cup Nhật Bản hứa hẹn sẽ biến châu Á trở thành thiên đường của bóng đá nữ thế giới – trái ngược với vị thế “vùng trũng” của bóng đá nam.
 
… KHOẢNG CÁCH VẪN QUÁ CHÊNH LỆCH
Chờ đợi cuộc lật đổ của các đội “chiếu dưới” nhưng giới chuyên môn đã thất vọng khi sự chênh lệch đẳng cấp giữa “tứ đại nương” và các đội “đàn em” vẫn quá lớn. Dường như các đội Jordan, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan không gây được khó dễ nào đáng kể cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia. 
 
Trận Hàn Quốc – Myanmar quá chênh lệch về trình độ

Các trận đấu giữa 2 nhóm “chiếu trên” và chiếu dưới” này dường như cũng chỉ diễn ra một chiều và tỷ số thường chênh lệch rất lớn. Thậm chí, việc ghi được 1 bàn thắng vào lưới 4 đội ở bán kết cũng rất khó với các đội còn lại (chỉ Jordan một lần chọc thủng lưới Australia).

Miyama Aya giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất
 
 
Trước VCK, tiền vệ Miyama Aya (số 8) được kỳ vọng sẽ thể hiện vai trò “nhạc trưởng” giúp Nhật Bản chinh phục đỉnh cao châu Á. Không phụ lòng mong đợi đó, cầu thủ đội trưởng này đã thể hiện phong độ cao ở khu vực giữa sân, làm chỗ dựa cả về chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu cho toàn đội. Cùng với tài sút phạt, chị đã góp công lớn trong thành công của Nhật Bản và xứng đáng được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải!
 
Tại sao Park đoạt danh hiệu Nữ hoàng phá lưới?
 
 
Cùng ghi được 6 bàn thắng như tiền đạo Park Eun-sun (số 9, Hàn Quốc), nhưng Yang Li (số 11, Trung Quốc) lại không được vinh danh ở giải thưởng Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải. Đó là bởi tiêu chí của AFC khi có hai cầu thủ có cùng số bàn thắng ghi được. Cụ thể, theo số liệu thống kê của AFC, Park Eun-sun hơn Yang Li một đường chuyền cho đồng đội ghi bàn, nên chị giành giải Nữ hoàng phá lưới. 
 
Mưa bàn thắng 
 
 
Giải đấu năm nay chứng kiến “cơn mưa bàn thắng”. Tổng cộng chỉ có 17 trận đấu, nhưng các cầu thủ đã ghi đến 67 bàn thắng, trung bình gần 3,95 bàn/trận. Duy nhất chỉ có trận đấu giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là kết thúc không có bàn thắng. Tuy nhiên, sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa các đội đã tạo nên những cơn mưa bàn thắng, chẳng hạn như trận Myanmar để thua đậm Hàn Quốc với tỷ số 0-12! 
Nguồn: Bongdaplus.vn