Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi: Nghề chúng tôi uy tín là số một
Khá lâu rồi chưa thấy chủ tịch Mùi xuất hiện trên báo nói về chuyện trọng tài cũng như khâu chuẩn bị cho quân của ông trước mùa giải 2009. Bởi vậy, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Mùi.
13/11/2008 00:00:00
Khá lâu rồi chưa thấy chủ tịch Mùi xuất hiện trên báo nói về chuyện trọng tài cũng như khâu chuẩn bị cho quân của ông trước mùa giải 2009. Bởi vậy, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Mùi.
* Thấm thoắt ông đã ngồi lên cái ghế Chủ tịch HĐTT QG 2 năm 10 tháng. Chỉ còn một mùa nữa thôi là hết nhiệm kỳ 5. Nhanh lắm, hết mùa giải 2009 Hội đồng trọng tài quốc gia (HĐTT QG) sẽ đại hội rồi lại xáo động nhân sự. Cảm giác của ông thế nào khi nghĩ đến ngày đó, ngày mà không chỉ riêng HĐTT QG xốn xang?
– Cũng bình thường thôi, tôi có tiếp tục được bỏ phiếu tín nhiệm, chỉ định hay người khác thay thế tôi không quan trọng bằng việc trọng tài Việt Nam có được nâng tầm, có phát triển theo lộ trình mà tất cả đội ngũ trọng tài đã nỗ lực xây dựng sau năm 2005. Suy nghĩ của tôi là làm sao lúc tại nhiệm có ích, làm được việc hơn nữa.
Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi |
* Ông thử phân tích ngắn gọn đâu là khó khăn và thuận lợi trong lần trở lại cái ghế nóng ở gần 3 năm qua? Và ông tâm đắc những gì mình đã làm được?
– Dễ hơn là trọng tài không dám làm bậy sau vụ tiêu cực bị phanh phui. Còn khó khăn là dường như phải làm lại trên đống đổ nát, khi số trọng tài chất lượng quá ít ỏi. Tôi không dám nói dấu ấn cá nhân mà chỉ nhận xét khách quan những cái được thế này: lực lượng trọng tài đang từng bước đi vào nề nếp. Nhìn chung, họ đã được tạo điều kiện phát triển đúng năng lực. Việc quản lý, sử dụng trọng tài minh bạch. Tiêu cực đã giảm đi nhiều. Tiếng còi đã trong sáng hơn. Chính vụ án trọng tài đã tác động tích cực tới tâm tư tình cảm của anh em. Phần lớn đã ý thức được nghề nghiệp.
Chúng tôi cũng từng bước xây dựng quy chế hoạt động của HĐTT, của lực lượng trọng tài nói chung để đưa vào nề nếp, khuôn khổ phù hợp với FIFA, AFC.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài được thực hiện tốt. Tính từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã mở 5 lớp bồi dưỡng sơ cấp với 600 học viên tham dự, 1 lớp nâng cao tại Huế năm 2007 cho 40 trọng tài. Việc phát triển về chất chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi.
* Sau năm 2005, bóng đá ta nói chung lâm vào khủng hoảng toàn diện chứ nói gì cánh trọng tài. Sau thời gian mới thấy “ơn trời”, nhờ công an đánh mạnh vào ung nhọt của bóng đá nội địa dân bóng banh mới được hít thở không khí khá trong lành như hôm nay. Hỏi thực, ông có bao giờ bị dúi phong bì vào tay để làm có lợi cho đội A hoặc B chưa? Ông có nguyên tắc sống như thế nào để lành lặn trong khi hàng loạt đồng nghiệp đánh mất mình?
– Hơn 20 trọng tài, trong đó nhiều anh cứng tay nghề bị nạn hẳn là đau xót rồi. Đào tạo nên một trọng tài khá phải trên dưới 10 năm, phút chốc không còn khả năng sử dụng thì phí quá. Tôi mừng vì pháp luật đã đánh được vào cơ chế phong bì. Nên nhớ đây là văn hóa chung, chứ không riêng gì giới trọng tài đâu. Tôi biết có những em còn rất trẻ, mới vào nghề nhưng chỉ nhận dăm trăm ngàn thôi, sự nghiệp dang dở. Tiếc cho họ lắm, vì cơ chế cả. Nếu làm rốt ráo, chắc chắn con số không chỉ dừng ở đấy.
Khi lên chuyên, doanh nghiệp nhảy vào bóng đá phong trào đưa phong bì cho trọng tài càng táo tợn, nhất là về lượng tiền. Thời tôi cầm còi, quà chỉ khi là gói thuốc. Có lần Sông Lam biếu tôi một đùm lạc, thế mà quý.
Nhân nói chuyện phong bì, tôi nhớ thời anh Tô Hiền làm Trưởng ban kỷ luật khóa 2 và 3 có quy chế rất hay. Tổ trọng tài có quyền nhận tiền thưởng của BTC sân địa phương nhưng không quá 2 triệu đồng. Lúc đó, ngay sau trận đấu, HLV trưởng hoặc trưởng đoàn 2 đội, BTC sân, tổ trọng tài, giám sát phải ngồi lại mổ xẻ trận đấu. Có khi mất mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng, BTC sân công khai trao phong bì cho tổ trọng tài, phải có giấy biên nhận, phải có phiếu chi của tài vụ. Trọng tài bắt dở nhiều khi không được nhận đồng nào.
Nhân nói chuyện phong bì, tôi nhớ thời anh Tô Hiền làm Trưởng ban kỷ luật khóa 2 và 3 có quy chế rất hay. Tổ trọng tài có quyền nhận tiền thưởng của BTC sân địa phương nhưng không quá 2 triệu đồng. Lúc đó, ngay sau trận đấu, HLV trưởng hoặc trưởng đoàn 2 đội, BTC sân, tổ trọng tài, giám sát phải ngồi lại mổ xẻ trận đấu. Có khi mất mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng, BTC sân công khai trao phong bì cho tổ trọng tài, phải có giấy biên nhận, phải có phiếu chi của tài vụ. Trọng tài bắt dở nhiều khi không được nhận đồng nào.
Dù thời nào tôi cũng có nguyên tắc sống, làm việc phải thiết lập được uy tín. Nghề chúng tôi uy tín là số một. Tôi thường xuyên khuyên các lớp sau này cầm còi phải chuẩn, vô tư, công tâm. Trọng tài không thể không sai, nhưng nếu sai các đội bóng, khán giả chỉ nghĩ đơn thuần tay này do chuyên môn thôi. Có uy tín cũng không ai dám “mua”. Với anh em trong nghề, uy tín cũng được đồng nghiệp nể vì hơn. Nói thì đơn giản thế nhưng không phải ai cũng làm được.
* Chúng ta sẽ tiếp tục nói chuyện nghề trọng tài ở dịp khác. Bây giờ là khâu chuẩn bị mùa giải mới cho “vua”, kế hoạch thế nào, thưa ông?
– Ngày 17/12 mở lớp trọng tài nâng cao với 30 học viên tham dự. Khóa này do FIFA tài trợ. Ngày 21 đến 23/12, lớp giám sát trọng tài do AFC mở. Mục đích, hướng dẫn cho các GSTT cách phân tích, đánh giá trận đấu. Thống nhất cách đánh giá, cho điểm trọng tài phù hợp với tiêu chuẩn của AFC. Từ ngày 25 đến 30/12 sẽ chính thức tập huấn công tác trọng tài, giám sát cho mùa giải 2009.
* Giám sát trọng tài ở ta thiếu nên họ phải chạy sô, có cách nào khắc phục không?
– Phải chờ đào tạo thôi. Trước mắt vẫn phải sử dụng 11 giám sát trọng tài cũ. Đợt học giành cho GSTT sắp tới có thêm một số tên mới, Hồ Huy Hồng đủ tuổi nghỉ cầm còi. Lương Thế Tài xin nghỉ năm 2005. Đặng Thanh Hạ, Trần Khánh Hưng, Dương Văn Hiền còn một năm nữa hết hạn cầm còi. Những trọng tài cứng này nghỉ vừa là cơ hội, nhưng cũng sẽ là thách thức lớn cho lứa trẻ như Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Ngọc Tuấn, Quang Vinh, Nguyễn Trọng Thư… Họ nên ý thức được điều đó để phấn đầu và trau dồi bản thân.
* Vậy chế độ thu nhập của lực lượng áo đen có gì thay đổi, rồi khâu phân công trọng tài, dấu ấn của HĐTT QG sẽ thế nào?
– 8 vòng đấu cuối mùa giải 2008 đã có sự điều chỉnh, trọng tài hoàn thành tốt nhiệm vụ thì anh bắt chính được thưởng thêm 800.000đ, trợ lý 500.000 và trọng tài bàn 300.000đ. Tôi đang làm đề xuất tăng thêm chế độ cho mỗi người 1 triệu/ trận trong năm 2009. Hy vọng sự thay đổi đó sẽ góp phần giúp cho các trọng tài trách nhiệm hơn.
Còn việc phân công, sau sự cố sân Vinh thì 8 vòng cuối HĐTT QG đã được trực tiếp phân công, tôi làm trưởng tiểu ban trọng tài. Tuy nhiên, năm 2009 vai trò của HĐTT QG trong việc nhạy cảm này ra sao vẫn còn phải chờ vào VFF quyết định. Tôi tin mùa bóng 2009 sẽ có sự thay đổi lớn về chất, với đội ngũ trọng tài.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: Theo Thể thao Văn hoá