Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: 'Bóng đá khu vực đã thay đổi'

Ghi nhận nỗ lực thi đấu hết mình của U23 Việt Nam trong trận bán kết, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng chiến thắng của Indonesia là xứng đáng và bóng đá khu vực đang thay đổi vì nhiều quốc gia có cách tiếp cận mới và sớm gặt hái thành công.

Ghi nhận nỗ lực thi đấu hết mình của U23 Việt Nam trong trận bán kết, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng chiến thắng của Indonesia là xứng đáng và bóng đá khu vực đang thay đổi vì nhiều quốc gia có cách tiếp cận mới và sớm gặt hái thành công.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Nguyễn Trọng Hỷ

Sau trận bán kết khó khăn với Indonesia và Việt Nam thua 0-2, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ đã có cuộc trao đổi với báo giới về tình hình chấn thương của các cầu thủ Bửu Ngọc, Thành Lương, đánh giá về bóng đá khu vực Đông Nam Á.

– Ông nhận xét như thế nào về trận bán?

Điều mà ai cũng nhận thấy đầu tiên là các cầu thủ đã thi đấu hết mình và có tiến bộ. Tuy nhiên, Indonesia còn có nhiều tiến bộ hơn. Họ đã quy tụ được tất cả các yếu tố để có chiến thắng: thiên thời, địa lợi, nhân hòa và cả may mắn nữa. Trong bóng đá, may mắn có vai trò rất lớn trong chiến thắng.

Indonesia có lực lượng cầu thủ mạnh. Họ tổ chức chơi tấn công tổng hợp. Ngược lại, dàn cầu thủ Việt Nam còn rất mới, chỉ có vài cầu thủ có kinh nghiệm, đa phần mới dự SEA Games lần đầu. Trong một sân đấu đầy áp lực, Việt Nam chọn lối chơi phòng ngự phản công là đúng. Các cầu thủ đã cố gắng chống đỡ và hai bàn thắng của Indonesia đều đến từ các tình huống cố định và mang nhiều yếu tố may mắn. Trong tinh thế ấy, thì tôi phải chấp nhận kết quả trận đấu.

– Bửu Ngọc và Thành Lương bị chấn thương như thế nào?

Bửu Ngọc bị chấn thương rất nặng ở đốt sống cổ, hiện nay đang được chăm sóc điều trị. Ngay sau trận đấu, cả Lương và Ngọc đã được đưa tới bệnh viện. Lương phải khâu chín mũi trên đầu vì vết thương rộng. Hai cầu thủ này sẽ được chăm sóc đầy đủ, đảm bảo sức khỏe để trở về CLB.

– Bóng đá nam SEA Games đã gần đi đến cuối chặng đường và các đội tuyển cũng đã thể hiện được hết năng lực. Ông đánh giá trình độ bóng đá khu vực hiện nay như thế nào?

Bản đồ bóng đá Đông Nam Á đã thay đổi. Thái Lan không còn giữ được thế độc tôn. Trình độ một số đội bóng được nâng lên nhờ một tư duy làm bóng đá kiểu mới: nhập tịch cầu thủ. Xu hướng này đang mạnh lên khi đã có nhiều đội bóng áp dụng như Indonesia, Đông Timor, Singapore, Philippines. Nhờ cách tiếp cận làm bóng đá khác với kiểu truyền thống nên nhiều đội tiến bộ rất nhanh. Đông Timor năm nay mới chỉ dừng mức gây bất ngờ, nhưng tới đây có thể sẽ còn tiến bộ nữa. SEA Games càng mùa sau có thể sẽ càng khó.

Để thành công được ở đấu trường khu vực thì bóng đá cần phải có thực lực, cầu thủ phải được đào tạo cơ bản.

– Đội tuyển U23 Việt Nam dự SEA Games này về thực lực không mạnh và thiếu cơ bản. Là chủ tịch VFF, ông nghĩ sao về điều này?

Từ trước tới nay, cầu thủ không giỏi thì báo chí lại nói là do VFF. Trên thực tế, công tác đào tạo cầu thủ trẻ thuộc về các CLB. Bản thân VFF đã rất nỗ lực để lo cho các đội tuyển. Kinh phí nhà nước đầu tư cho 7 đội tuyển chỉ có 10 tỷ đồng/năm, phần còn lại để các đội tuyển có kinh phí đi thi đấu, chế độ được quan tâm như hiện nay VFF phải tự tìm cách giải quyết. Hệ thống thi đấu trẻ VFF cũng đã đưa ra. Các đội tuyển trẻ Việt Nam đi thi đấu đều vào sâu trong các giải đấu khu vực, và lọt vào giải vô địch châu lục. Bản thân U23 Việt Nam vào các trận đấu quan trọng của SEA Games, mỗi chiến thắng đều được thưởng 1 tỷ đồng.

Về mặt cơ chế và quan tâm, VFF đã rất nỗ lực. Vấn đề chuyên môn của các cầu thủ thì phải nhìn lại công tác đào tạo trẻ ở các CLB.

– Vậy ứng phó với những thay đổi về tương quan lực lượng, trình độ của bóng đá khu vực hiện nay, bóng đá Việt Nam sẽ phải làm gì sau SEA Games 26?

Về giải pháp thì chúng tôi đã đề ra mấy năm nay, nhưng thực hiện được lại vướng thực tế. Hiện nay bóng đá trong nước đang tiến tới thay đổi cách điều hành các giải đấu trong nước để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo trẻ.