Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


75 năm sân Septo – Hàng Đẫy – Hà Nội: Đài hoa đẹp giữa Thủ đô

Ấn phẩm “Thăng Long – Hà Nội – 1.000 sự kiện lịch sử” nêu sự kiện thứ 748: Lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy (sân vận động Hà Nội ngày nay) vào chiều ngày 24/8/1958. Người dân Thủ đô đều biết, 24 năm trước, SVĐ này mang tên Septo, do Hội Thể dục Bắc Kỳ quản lý. Trải qua 75 năm ra đời với các tên gọi SEPTO và Hàng Đẫy rồi Hà Nội, vậy ai là người sáng lập và quá trình phát triển SVĐ này như thế nào?

Sân vận động Hà Nội

Cách đây khoảng 10 năm, Hà Nội đổi tên SVĐ Hàng Đẫy thành SVĐ Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 55 năm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; 70 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Đại hội TDTT Thủ đô lần thứ V…

Nơi đây từng chứng kiến những giờ phút lịch sử huy hoàng của dân tộc. Ngày 15/5/1975, lễ mít tinh chào mừng chiến thắng 30/4/1975 đã được tổ chưc tại địa danh này.

Image

Bác Hồ trên khán đài A ngày 24/8/1958

Sân vận động Hà Nội đã diễn ra 5 kỳ đại hội TDTT Thủ đô, 5 kỳ đại hội TDTT toàn quốc (1985, 1990, 1995, 2002 và 2006); Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần I (1983); 2 lần khai mạc giải bóng đá SKDA (1963, 1983); 10 kỳ đại hội khoẻ “Vì an ninh Tổ quốc” Bộ Công an và Đại hội TDTT toàn quân Bộ Quốc phòng; và rất nhiều trận bóng đá quốc tế. Quốc kỳ, quốc ca các nước khắp 5 châu đã tung bay trên SVĐ này.

Đặc biệt, sân Hàng Đẫy đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt trong lịch sử thể dục thể thao nước nhà. Tháng 3/1946, trong lễ khai mạc khoá học đầu tiên của Trường Thể dục Hồ Chí Minh với sự tham dự của Bác Hồ, Vị Cha già dân tộc đã xuống sân đá trái bóng danh dự, khai mạc trận bóng đá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 12 năm sau, chiều 24/8/1958, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Quốc Hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Chủ nhiệm Ban Thể dục thể thao T.Ư Trần Chí Hiền đã xuống sân gặp ngài Tim Tuy – Trưởng đoàn Thể thao Vương quốc Campuchia, cụ Sam Son Ferandez – thành viên BLĐ đoàn cùng các cầu thủ đội bóng nước bạn sang dự lễ khánh thành SVĐ.

Cũng tại đây, chiều 5/2/1961, Bác Hồ đã thăm hỏi 15 đơn vị được tặng cờ “Thi đua xuất sắc” Đại hội TDTT Thủ đô lần I. Bác đã ân cần trò chuyện cùng lão đô lò vật cổ truyền Mai Động, đội trưởng đội bóng chuyền nữ các cơ quan T.Ư Nguyễn Thị Nga, các VĐV Trường Dân tộc T.Ư… Báo chí hồi đó đã gọi SVĐ Hàng Đẫy là “Đài hoa đẹp của đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội”.

Image

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự khai mạc trận bóng đá giao hữu giữa hai đội Việt Nam và Campuchia tại SVĐ Hàng Đẫy

Từ bãi đá bóng SEPTO…

Bãi đá bóng Hàng Đẫy tồn tại nhiều năm trong khẩu ngữ không chỉ riêng của người Hà Nội. Khởi kỳ thủy của tên gọi này là năm 1934, khi Hà Nội được mở rộng về phía Nam, đã thu hồi phần đất rộng 3 ha vốn thuộc sở hữu của Trường Thể dục Hà Nội (Société d’ Education Physique-EDEP). Chính quyền thời đó đã đền cho EDEP mảnh đất có diện tích tương tự nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ. Địa danh “Bãi đá bóng Hàng Đẫy” có từ thuở đó. Sáng lập EDEP là các ông Nguyễn Quý Toản, Bùi Đình Tịnh quyết định đổi thành “Hội Thể dục Bắc Kỳ” (Société d’ Education Physique du Tonkin, viết tắt là SEPTO) nhằm khuyến khích thanh thiếu niên Hà Nội tập luyện TDTT với lòng tự tôn “không để cho thực dân Pháp coi thường người Việt Nam ta!”.

Ngày 29/10/1934, ông Bùi Đình Tịnh, hiệu trưởng EDEP làm đơn xin Thống sứ Bắc Kỳ cho chuyển “Trường Thể dục Hà Nội” thành một tổ chức hội đoàn mang tên Hội Thể dục Bắc Kỳ. Kèm theo đơn là bản “Điều lệ tổ chức SEPTO”, cùng các thành viên Hội đồng quản trị lập ngày 27/10/1934 do ông Nguyễn Quý Toản đề xướng. Từ năm 1936 đến 1938, bãi bóng đá Hàng Đẫy được Hội Thể dục Bắc Kỳ tiến hành xây dựng, có tường bao quanh. Khán đài A bằng gỗ, gồm 400 chỗ ngồi. Mặt sân được san phẳng để chơi bóng. Song, những người sáng lập SEPTO chỉ làm được đến thế vì kinh phí có hạn. Mặt sân vẫn lồi lõm và bị ngập úng mỗi khi mưa, trong sân không có khu vệ sinh, không có nơi tắm rửa cho cầu thủ và VĐV.

…Đến SVĐ Hàng Đẫy

Năm 1956, ngay sau ngày thành tái lập Ban Thể dục thể thao T.Ư, Chính Phủ đã xúc tiến xây dựng lại sân Hàng Đẫy. Ngày 16/2/1957, công trình được khởi công và hoàn thành sau 18 tháng xây dựng. Chiều 24/8/1958, Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội long trọng làm lễ khánh thành sân vận động mới.

Chủ tịch Hà Nội, Bác sĩ Trần Duy Hưng trong diễn văn khai mạc đã nhấn mạnh: “Hôm nay, ngày 24 tháng Tám năm 1958, trong không khí tưng bừng của nhân dân Thủ đô cùng với nhân dân miền Bắc phấn khởi chào mừng kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, giới thể thao miền Bắc và đồng bào cả nước vô cùng sung sướng khánh thành sân vận động Hàng Đẫy. Đây là công trình phục vụ các hoạt động TDTT, nhất là phong trào rèn luyện thân thể để hăng hái xây dựng Tổ quốc, bảo vệ hoà bình. Không riêng giới thể thao mà tất cả nhân dân Hà Nội đều nhận thức rõ sự quan tâm đặc biệt của Trung Ương Đảng, Chính Phủ với phong trào thể dục thể thao nước nhà. Nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần trách nhiệm, lao động quên mình của toàn thể công nhân và Ban chỉ huy công trường đã hoàn thành công trình trước thời hạn 45 ngày, tiết kiệm cho ngân quỹ khoản kinh phí rất lớn (100 triệu đồng – thời giá năm 1958-NV)…”.

20 năm trước, sân SEPTO chỉ rộng 19.738 m2, với 400 chỗ ngồi. Còn SVĐ Hàng Đẫy mới có diện tích sàn 21.844 m2, với 25.000 chỗ ngồi. Riêng khán đài A có mái che chiếm 2/3 chiều dài phố Trịnh Hoài Đức. Sân có 14 cửa ra vào và 3 cửa chính ở khán đài A, B. Ngoài ra, còn có 128 phòng phục vụ sinh hoạt ăn ở của VĐV, trọng tài và HLV. Bên cạnh đó, còn có sân bóng rổ, bóng chuyền, bãi nhẩy cao, nhẩy xa, ném tạ, ném đĩa…đúng quy chuẩn quốc tế.

Trải qua 75 năm, từ bãi đá bóng Hàng Đẫy – SEPTO (1934-1957), SVĐ Hàng Đẫy (1958-2000) đến sân vận động Hà Nội ngày nay, đã có rất nhiều đổi thay. Nếu lần xây dựng đầu tiên còn rất thô sơ, thì lần xây dựng năm 1957 lại khá quy mô và hiện đại nhất của thập niên 50 thế kỷ trước. Vào thập niên 90, SVĐ Hàng Đẫy cũng có vài lần tu sửa, chỉnh trang như lắp hệ thống chiếu sáng mới hiện đại, chỉnh sửa mặt sân, thay cỏ, trải thảm nhựa ta-tăng cho đường pitch điền kinh; lắp ghế ngồi, đồng hồ điện tử, bảng điện tử; mở rộng và hoàn thiện các khán đài A,B, C, D và nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi.

Song, lần xây dựng SVĐ Hàng Đẫy năm 1958 vẫn là lần quy mô và tầm cỡ mang ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Đời sống vật chất của nhân dân Thủ đô sau 9 năm chiến tranh còn rất thiếu thốn. Công cuộc lao động hàn gắn vết thương chiến tranh còn rất gian khổ, vất vả. Thế nhưng, Bác Hồ, Đảng và Chính phủ vẫn không ngừng chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc tái thành lập ngành Thể dục thể thao, phát động phong trào “Toàn dân hăng hái tập luyện thể dục, vệ sinh yêu nước”, mở rộng nâng cấp sân bóng đá Hàng Đẫy thành SVĐ Hàng Đẫy to đẹp, khang trang cuối thập niên 50 của thế kỷ 20. Đây là một thành tựu lớn không chỉ riêng của ngành Văn hoá thể thao, mà còn thể hiện tiềm năng và sức mạnh dồi dào của nhân dân cả nước thời vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc

Nguồn: Theo Báo Bóng Đá