Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Cuộc chơi cho nông dân, vì nông dân

Ngày 6-9, tại TP. HCM Ban tổ chức chức Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 – Báo NTNN- Cúp VFA đã tổ chức họp báo, bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết diễn ra tại Long An (từ 16 đến 25-9).

07/09/2010 00:00:00

Ngày 6-9, tại TP. HCM Ban tổ chức chức Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010 – Báo NTNN- Cúp VFA đã tổ chức họp báo, bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết diễn ra tại Long An (từ 16 đến 25-9).

 

Đại diện các đội bóng giới thiệu trang phục thi đấu

Theo Ban tổ chức (BTC), đây là giải đấu phong trào dành cho nông dân được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay trên phạm vi toàn quốc, thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Hội NDVN. Ngoài ra, BTC mong muốn qua giải đấu sẽ vận động nông dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông dân.

 

Chỉ có ở giải nông dân

Ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng BTC giải cho biết, giải được phát động chính thức từ tháng 10-2009. Hơn 500 vận động viên là nông dân đã hào hứng tham dự vòng đấu bảng (bắt đầu từ tháng 6 đến đầu tháng 8 -2010).

 

Sau gần hai tháng tranh tài quyết liệt, 7 đội bóng mạnh nhất gồm Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Cà Mau và An Giang sẽ tập trung về Long An thi đấu vòng chung kết (đội chủ nhà Long An được miễn đá vòng loại).

 

Tại cuộc họp báo, nhiều PV các báo đài đã hết sức bất ngờ, thú vị khi được BTC gửi đến những thông tin “độc”, chỉ có ở giải bóng đá dành cho nông dân. Theo ông Lưu Quang Định, các vận động viên dự giải không ai có thu nhập từ quả bóng.

 

Họ hầu hết đều là lao động chính trong gia đình, kiếm cơm bằng nghề trồng lúa, nuôi cá, nuôi heo, làm muối… Ít có thời gian luyện tập, nhiều cầu thủ khi đến với giải phải “nhồi thể lực” nhờ chính công việc đồng áng đầy nặng nhọc của mình.

 

Nhiều cầu thủ Ninh Thuận là những người làm ra quả nho ngọt lịm, cầu thủ Tây Ninh có trang trại trồng cao su hay làm bánh tráng, cầu thủ An Giang sau buổi tập luyện ở Long Xuyên phải về huyện Chợ Mới phụ vợ chăm sóc ao cá tra…

 

Chuẩn bị cho vòng chung kết, ngoài đội Long An tập trung cầu thủ về tỉnh tập luyện trên sân thi đấu chính, nhiều đội khác do thiếu kinh phí nên vẫn tập trên sân huyện.

 

Thậm chí, đội Thái Nguyên tập bằng sân tập của… trại giam Phú Sơn. Thế nhưng, bằng tình yêu đối với quả bóng tròn, các cầu thủ nông dân vẫn hăng say tập luyện.

 

Sẽ nâng chất giải đấu

PV Bạch Dương (Báo Thanh Niên) đặt câu hỏi, các giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên hay giải bóng đá cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Báo Công an TP.HCM sẽ chọn lựa những cầu thủ giỏi nhất để đi thi đấu quốc tế, liệu Báo NTNN có tính đến việc này hay không?

 

Ông Lưu Quang Định cho biết, việc thành lập đội tuyển từ thành phần nông dân sẽ rất khó khăn, ngay như một số tỉnh chọn đội hình đi thi đấu toàn quốc thường chỉ lấy đội hình cơ bản của một huyện, thậm chí là một xã (như đội xã Tân Lân, Cần Đước, Long An). Thế nên, khả năng là BTC sẽ mời đội vô địch thi đấu với đội cựu danh thủ (dự kiến vào tháng 10-2010) để “ngang tài ngang sức”, vui khỏe là chủ yếu.

 

PV Lê Tuấn – Báo Công an TP.HCM băn khoăn chuyện nhân thân cầu thủ vì Điều lệ quy định về “xuất thân” nông dân không phải là quá khó (có chứng nhận của UBND xã, phường).

 

Ông Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng phòng thi đấu VFF cho biết, Hội Nông dân các tỉnh chính là nơi chịu trách nhiệm về nhân thân cầu thủ. Hơn nữa, VFF quản danh sách các cầu thủ có đăng ký thi đấu từ giải hạng nhì trở lên trong 3 năm gần nhất rất chặt nên khó có cầu thủ chuyên nghiệp nào “lọt sổ” vào đá giải nông dân. “Hàng chục trận đấu vòng bảng đã diễn ra nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến tư cách “nông dân” của cầu thủ” – ông Ngọc nói.

 

PV Khánh Ly (Truyền hình TTXVN) đặt câu hỏi, sau lần tổ chức quy mô này thì giải có tổ chức định kỳ và nâng tầm hay không? Ông Lưu Quang Định cho biết, bước đầu giải sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần, vòng chung kết vẫn sẽ tập trung tổ chức ở khu vực miền Tây Nam bộ.

 

Ban tổ chức giải cũng như Hội NDVN đã có tiếp xúc với một số Hội ND các nước lân cận và nhận được phản hồi khá tốt về chuyện lập một sân chơi cho nông dân khu vực. Tuy nhiên, Hội ND ở nhiều nước hoạt động chưa thực sự mạnh, nếu “nâng cấp” thành giải khu vực sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, nhất là về vấn đề kinh phí. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải đấu này thành công rồi mới có thể tính các bước tiếp theo” – ông Định nói.

 

Ông Lê Hoàng Minh – Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, Trưởng Ban chỉ đạo giải cho biết, Hội NDVN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ VH-TT&DL lập kế hoạch xây dựng giải đấu này thành giải chính thức trong hệ thống các giải đấu phong trào cấp quốc gia, định kỳ 2 năm/lần. Ông Trần Bảy – Phó Tổng thư ký VFA – nhà tài trợ chính của giải cho biết sẽ tiếp ủng hộ tài chính để duy trì sân chơi này cho nông dân.

  

Bảng A tập trung nhiều đội mạnh

Sau khi bốc thăm chia bảng, nhiều đội bóng cho rằng bảng A (gồm Long An, An Giang, Tây Ninh và Quảng Ngãi) là bảng “xương” nhất vì tập trung các đội khá mạnh. Long An dù chưa xuất đầu lộ diện, chỉ là đội hình “cấp xã” nhưng vẫn được đánh giá rất cao vì Hội ND Long An nhiều năm liên tục tổ chức rất thành công phong trào bóng đá nông dân. Ở Bảng B, đội Tiền Giang rất dễ chịu vì được đá trên sân Long An (chỉ cách “đại bản doanh” đội nông dân Tiền Giang 20km), trong khi các đối thủ là Thái Nguyên, Ninh Thuận và Cà Mau sẽ phải mất rất nhiều sức vì di chuyển đường dài.

Nguồn: Theo datviet.vn