Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Kỷ niệm 20 năm thành lập Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Từ Đại hội đến Đại hội

Năm nay, cùng với việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ  6, LĐBĐVN còn đồng thời kỷ niệm 20 năm chính thức ra mắt Ban…

14/10/2009 00:00:00

Năm nay, cùng với việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 6, LĐBĐVN còn đồng thời kỷ niệm 20 năm chính thức ra mắt Ban chấp hành khóa 1 (1989-1993), đánh dấu bước phát triển mới của BĐVN.

 

Khóa 1 (1989-1993): Bước đầu hội nhập quốc tế 

Chủ tịch: Trịnh Ngọc Chữ (từ 1989-1991)

Dương Nghiệp Chí (1991-1993)

Phó Chủ tịch: Lê Bửu, Trần Vĩnh Lộc, Ngô Xuân Quýnh

Tổng thư ký: Lê Thế Thọ

 

14 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và 9 năm kể từ khi giải VĐQG lần đầu tiên được tổ chức (dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng cục TDTT), kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần đầu tiên của những người làm bóng đá VN được tổ chức tại CLB Ba Đình (HN) nhằm chính thức thành lập một tổ chức xã hội thay mặt nhà nước điều hành hoạt động của bóng đá nước nhà, đưa mọi thứ vào quy củ, hướng tới mục tiêu hội nhập với BĐ quốc tế. Sự kiện đáng chú ý nhất là việc đội tuyển BĐVN tham dự SEA Games 16 (1991) tại Philippines và vòng loại World Cup 94, chính thức đánh dấu sự tái hội nhập với đấu trường quốc tế của BĐVN.

Khoá 2 (1993-1997): Dấu ấn đầu tiên trên đấu trường khu vực

Chủ tịch: Đoàn Văn Xê.

Phó Chủ tịch:  Nguyễn Sĩ Hiển, Nguyễn Lê Phong, Nguyễn Tấn Minh.

Tổng thư ký: Trần Bảy.

 

SEA Games 17 (Singapore) vào cuối năm ấy tiếp tục là một giải đấu không thành công của ĐTVN. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, tại kỳ SEA Games 18 (tại Chiang Mai, Thái Lan) năm 1995, đội tuyển VN dưới sự dẫn dắt của HLV Karl Heinz Weigang (Đức) đã đặt dấu ấn đầu tiên với tấm HCB đầy vinh quang. Một năm sau, ĐTVN đạt HCĐ Tiger Cup 96, chính thức khẳng định vị thế của mình tại đấu trường khu vực.


Khoá 3 (1997-2001): “Viên gạch” đầu tiên của tiến trình chuyên nghiệp hóa

Chủ tịch: Mai Văn Muôn.

Phó Chủ tịch: Nguyễn Sĩ Hiển, Ngô Tử Hà, Lê Thế Thọ, Trần Thu Đông.

Tổng thư ký: Phạm Ngọc Viễn.

 

Tháng 10/1997, đại hội LĐBĐVN nhiệm kỳ 3 có sự tham dự của 155 đại biểu đã bầu ra BCH gồm 35 ủy viên.

 

Trong thời gian này, ĐTVN tiếp tục đoạt HCĐ SEA Games 19 (1997), HCB Tiger Cup 98, HCB SEA Games 20 (1999), nhưng thất bại tại Tiger Cup 2000 (chỉ đứng hạng 4). Nhận thấy không thể tách rời khỏi xu thế phát triển chung của BĐ thế giới, bộ máy lãnh đạo LĐBĐVN khi ấy đã quyết định hướng hoạt động của BĐVN theo tiến trình chuyên nghiệp hóa với việc cho ra đời Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và tổ chức V.League (tên gọi mới của giải VĐQG) đầu tiên: 2000-2001 (SLNA vô địch).


Khoá 4 (2001-2005): Nâng cao giá trị “thương quyền”

Chủ tịch: Hồ Đức Việt (2001-2003)

               Mai Liêm Trực (2003-2005)

Phó Chủ tịch:  Trần Duy Ly, Trần Văn Mui.

Tổng thư ký: Phạm Ngọc Viễn.

Quyền Tổng thư ký (từ tháng 1-tháng 6/2005): Phan Anh Tú.

 

Tháng 8/2001, đại hội nhiệm kỳ 4 bầu ra BCH “đồ sộ” nhất với 41 ủy viên. Đồng chí Hồ Đức Việt – Uỷ viên trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên ở thời điểm ấy – đã được bầu làm Chủ tịch LĐBĐVN. Tuy nhiên, do điều kiện công tác, đầu năm 2003, đồng chí Hồ Đức Việt đã xin rút lui khỏi chức Chủ tịch. Phó Chủ tịch thường trực Trần Duy Ly được bầu làm quyền Chủ tịch LĐBĐVN. Tháng 6/2003, ông Mai Liêm Trực – Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông được bầu bổ sung vào BCH, sau đó được BCH bầu làm Chủ tịch LĐBĐVN.

 

Sự kiện đáng chú ý nhất của khóa này là việc LĐBĐVN quyết định trả lại thương quyền quảng cáo cho các CLB sau khi đối tác Strata rút lui. Đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, góp phần nâng cao giá trị thương quyền của BĐ chuyên nghiệp VN, nhất là khi hàng loạt doanh nghiệp lớn chọn đầu tư vào bóng đá để quảng bá thương hiệu. Tới nay, theo ước tính của giới chuyên môn, giá trị quảng cáo của cả V.League đã tăng lên  khoảng… 7-8 lần so với thời điểm nhờ Strata “bao thầu trọn gói”.


Khoá 5 (2005-2009): Bước phát triển mạnh mẽ!

Chủ tịch: Nguyễn Trọng Hỷ.

Phó Chủ tịch:  Lê Thế Thọ (từ 6/2005-12/2005), Lê Hùng Dũng, Vũ Quang Vinh, Dương Vũ Lâm (từ 1/2007)

BCH ra mắt vào tháng 6/2005 với 39 uỷ viên.

 

Hoàn toàn không ngoa khi nhận xét rằng LĐBĐVN khóa 6 đã đạt được rất nhiều thành công đáng khích lệ trên cơ sở kế thừa và phát triển (nổi bật nhất là thắng lợi của ĐTQG tại AFF Cup 2008 và việc đăng cai thành công VCK Asian Cup 2007, VCK Asian Cup nữ 2008). Tuy nhiên, những người làm BĐVN đều hiểu: Vui mừng với những thành quả ấy không có nghĩa là được phép tự mãn. LĐBĐVN khóa 6 (và các các khóa sau nữa) cần tiếp tục nỗ lực đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là đầu tàu đưa BĐVN đi tới cái đích chuyên nghiệp một cách nhanh chóng và vững vàng hơn!