Có một điều còn ngọt ngào hơn cả Quả bóng vàng 2008 mà nữ cầu thủ Đỗ Thị Ngọc Châm nhận được trong đêm trao giải: Một tin nhắn yêu thương từ “nửa kia” của cô với nội dung: “Em là cầu thủ giỏi nhất và đẹp nhất của anh!”
Có một điều còn ngọt ngào hơn cả Quả bóng vàng 2008 mà nữ cầu thủ Đỗ Thị Ngọc Châm nhận được trong đêm trao giải: Một tin nhắn yêu thương từ “nửa kia” của cô với nội dung: “Em là cầu thủ giỏi nhất và đẹp nhất của anh!”.
Đêm trao giải Quả bóng vàng (QBV) VN 2008 tối 23-3, hoa khôi của tuyển nữ VN đẹp rạng rỡ như một diễn viên điện ảnh bước lên thảm đỏ Oscar. Tất cả những ai biết và yêu quý cô đều mừng cho tiền đạo có biệt danh Châm “còi”.
Có người nhìn Châm đẹp và không tin đó là một cô gái đá bóng. Một số thậm chí còn thốt lên: “Trông xinh xắn thế kia sao lại đi đá bóng nhỉ ?”. Nhưng riêng Châm, cô không bao giờ hối tiếc vì đã dấn thân theo sự nghiệp “quần đùi áo số”.
Ngọc Châm xinh đẹp trong đêm nhận giải Quả bóng vàng 2008. Ảnh: H.P
Bù đắp hai lần lỡ hẹn HCV
Gần chục năm trời chạy theo trái bóng, Châm bảo rằng cuộc đời cô có hai đêm buồn nhất mà cô chỉ biết nằm khóc. Đó là hai lần Châm lỡ hẹn với SEA Games. Trớ trêu thay đó lại là hai lần mà tuyển nữ VN đứng lên bục vinh quang nhất ở SEA Games 22 vào năm 2001 và 23 năm 2003.
Có lúc Châm từng nghĩ rằng phải chăng cô chỉ có duyên với “bạc”. Hai tấm HCB, một ở Giải Vô địch Đông Nam Á và một ở SEA Games 24 đều là những lần mà Châm đã nỗ lực hết mình nhưng tuyển nữ đều không thể đăng quang.
Đêm 23-3 vừa rồi, Châm “còi” cũng mất ngủ nhưng tất nhiên là không có giọt nước mắt nào. Đó có lẽ là đêm sung sướng, hạnh phúc nhất kể từ khi Châm gắn cuộc đời mình với trái bóng. Châm đã nghĩ và tâm sự rằng: “Cuộc đời cầu thủ một lần được QBV cũng coi như là mãn nguyện.
Em không thể ngủ được trong cái đêm sau lễ trao giải. Nếu không có đêm 23-3, thì sự nghiệp đá bóng của em chỉ có những nỗi buồn lớn chứ không có những niềm vui lớn”. Với danh hiệu QBV 2008, thế là Châm “còi” đã chẳng có gì phải hối tiếc, phải ân hận vì hai lần lỗi hẹn với HCV SEA Games.
Trước đó, Châm đã nghĩ nhiều về những thời khắc quyết định trong sự nghiệp mình. Không ít lần người ta bảo với Châm rằng cô nên từ giã sự nghiệp đi sau những chấn thương nghiệt ngã. Nhưng cô không đầu hàng, không dừng bước và đêm 23-3 thời khắc mà Châm đã có thể trả lời câu hỏi cô vẫn thường đặt ra cho mình: “Cống hiến cả tuổi thanh xuân cho trái bóng có đáng không?”. Và giờ thì cô đã có câu trả lời: “Mình không có gì phải hối tiếc!”.
Bí mật của Ngọc Châm
Quyết chinh phục thêm nhiều “vàng”
Sáng qua, 24-3, Châm “còi” đã đáp máy bay trở lại Hà Nội rồi lên ngay Thái Nguyên để chuẩn bị cho trận mở màn của đội nữ Hà Nội gặp Hà Tây trong khuôn khổ giải VĐQG vào chiều cùng ngày. Ngọc Châm xem QBV 2008 là động lực để cô chinh phục thêm nhiều đỉnh cao nữa, đầu tiên là HCVSEA Games 25 cuối năm nay.
Đêm trao giải, Ngọc Châm nữ tính và đẹp kiêu sa trong bộ đầm vàng. Đúng là dù theo nghiệp “quần đùi áo số”, nhưng Châm vẫn giữ được nét duyên con gái Hà Nội và nước da trắng. Bao nắng gió, vất vả cũng không che lấp được vẻ đẹp hiền thục của cô.
Nhìn Châm, có lắm gã si tình cũng phải xiêu lòng dù biết rõ Châm là cầu thủ quanh năm, suốt tháng quần quật ngoài sân bóng. Nói đến chuyện những người hâm mộ đặc biệt thì Ngọc Châm lúc nào cũng bẽn lẽn bảo “không có ai” nhưng thực ra đồng đội của Châm ở cả đội tuyển bóng đá nữ VN lẫn đội Hà Nội đều bảo rằng “Con bé Châm là nhiều anh theo nhất đội đấy!”.
Đêm nhận giải, Châm được nhận một tin nhắn đặc biệt từ “người ấy”: “Em là cầu thủ giỏi nhất và đẹp nhất của anh!”. Châm sung sướng lắm dù người yêu không thể cùng cô có mặt ở Nhà hát TPHCM trong đêm hạnh phúc ấy. Châm “còi” có người yêu là cái tin có thể khiến cho nhiều người thất vọng nhưng với cô gái Hà Nội này, tìm được một bờ vai tin cậy để làm chỗ dựa luôn là điều cô khao khát.
Bởi dù có mạnh mẽ đến đâu, Châm cũng chỉ là con gái. Chỉ có điều khi hỏi về danh tính hay thân thế “nửa kia” của Châm thì cô luôn bảo rằng: “Bí mật ạ”.
Chuyện sau “trận đấu kỳ lạ”: Khi tình yêu thương lan tỏa…
Kể từ sau trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng khiếm thị, câu chuyện của Phan Thị Cẩm Tú đã đến được nhiều tấm lòng. Tuy nhiên chuyện về một cô gái cần mổ mắt lại đang mở ra một câu chuyện mới: câu chuyện của tình yêu thương.
Công Vinh và Cẩm Tú trong “trận đấu kỳ lạ” cuối tuần qua
Như một giấc mơ
Cẩm Tú kể: “Từ bé đến lớn, em và gia đình sống thui thủi trong gian nhà nhỏ ở Cà Mau, hầu như chẳng nhận được sự giúp đỡ nào. Có lúc, em từng nghĩ rằng có lẽ số phận của mình phải chịu cảnh nghèo túng và tăm tối. Năm 13 tuổi, em từng mong mình sáng mắt để có thể đi làm như những người bình thường. Khi ấy, em dự định để dành tiền mỗi ngày để cuối tháng gom lại, giúp những người khó khăn hơn mình. Em kể mẹ nghe ước mơ đó, mẹ cười: Sao con ước mơ chi mà xa xôi quá vậy!
Vì thế, tất cả những gì xảy đến với em trong những ngày qua cứ như một giấc mơ. Qua báo Tuổi Trẻ và các anh chị tình nguyện viên (TNV) bóng đá và cộng đồng, em mới biết mình được biết bao người giúp đỡ. Ở mái ấm Nhật Hồng, có những bạn khám mắt nhiều lần mà lần nào bác sĩ cũng bảo không thể sáng mắt được, chẳng hạn như bạn Nguyễn Thanh Sang. Vậy mà các bạn ấy sẵn sàng quên đi nỗi buồn của riêng mình để đá bóng vì em…
Em nghe kể rằng bạn TNV Nguyễn Trung Hiếu – 18 tuổi, ở Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2 – dù thuộc dạng… còm nhom nhưng đã cùng các anh chị TNV khác vác những tấm mút có gọng sắt để làm đường biên cho trận đấu dưới cái nắng ban trưa gay gắt. Chị Thái Thị Ngọc Liên – chủ nhiệm CLB Green Club – không chỉ ủng hộ em về vật chất mà còn thức đến 12g đêm 20-3 để chuẩn bị cho trận đấu gây quỹ.
Lại có những người hoàn toàn xa lạ như anh Giang Nam đã bỏ ra hơn mười giờ làm sản phẩm góp vào buổi bán đấu giá gây quỹ, như bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc nhận liên hệ Viện Mắt TP.HCM, ca sĩ Long Thiên Bình sáng tác nhạc tặng em. Hai anh Hồng Sơn và Công Vinh là ngôi sao, lại sắp đá cho đội bóng của hai anh ấy nhưng vẫn dành thời gian đến giao lưu, còn hỗ trợ kinh phí cho em mổ mắt”.
Trả lời câu hỏi: Ngoài việc muốn nhìn thấy ba mẹ, Tú còn muốn làm gì khi sáng mắt nữa? Câu đầu tiên Tú trả lời là: “Em muốn ngắm mình trong gương!”. 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất trong đời một người con gái, Tú và những cô gái khiếm thị như mình chưa bao giờ được soi gương! Và ở câu thứ hai, Tú nói: “Em muốn làm TNV”.
Những TNV đặc biệt
Bạn Lê Thị Ánh Xuân tâm sự: “Năm 7 tuổi, khi còn ở Kiên Giang, em hay chơi với một chị bị tâm thần ở gần nhà. Chẳng ai thích chơi với chị ấy nhưng do biết nỗi buồn của những người không bình thường nên em hay chơi cùng và hái hoa dại tặng chị ấy. Em rất hạnh phúc vì mình có thể đem niềm vui đến cho người khác”.
Còn với bạn Nguyễn Thanh Sang: “Nhiều lần, em cùng các bạn ở mái ấm đi xe buýt. Khi em vừa rút thẻ dành cho người khuyết tật ra thì những người lơ xe, bán vé mắng chúng em bằng những lời lẽ rất khó nghe. Em muốn làm TNV, trước hết chỉ để nói với mọi người: điều mà những người kém may mắn như chúng em cần nhất chính là sự tôn trọng, cảm thông. Có thể mắt em không bao giờ sáng nhưng em vẫn muốn góp phần giúp cuộc đời này tươi sáng hơn”.
Rồi đây, khi tình yêu thương lan tỏa, không chỉ cuộc đời của Tú mà biết đâu sẽ còn thêm nhiều cuộc đời khác được viết lại rạng ngời hơn…
Thủ môn Hồng Sơn: “Quả bóng vàng là động lực để tôi tiếp tục vươn lên”
Sau danh hiệu thủ môn Xuất sắc Đông Nam Á, bộ sưu tập danh hiệu của thủ môn Dương Hồng Sơn đã có thêm Quả bóng vàng 2008. Theo thổ lộ của Hồng Sơn, chính anh cũng bất ngờ về phần thưởng này…
Giành được Quả bóng vàng đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu, cảm giác của Hồng Sơn lúc này thế nào?
Thủ môn Dương Hồng Sơn: Giành được chức Vô địch AFF Cup đã vui, nay được sở hữu danh hiệu Quả bóng vàng 2008 tôi còn cảm thấy vui hơn rất nhiều. Vì đây là phần thưởng cá nhân, ghi nhận những đóng góp và sự nỗ lực của cầu thủ trong suốt cả năm phấn đấu dưới màu áo CLB và ĐT Việt Nam.
Sau nhiều năm phấn đấu, thủ môn Dương Hồng Sơn đã sở hữu Quả bóng vàng
Khi được xướng tên giành danh hiệu Quả bóng vàng, thú thực tôi cũng có những giây phút cảm thấy bất ngờ. Bởi tôi biết cả 3 đồng đội thuộc top đua tranh là Công Vinh, Vũ Phong, Như Thành đều đã thi đấu ấn tượng và xứng đáng giành được danh hiệu cao quý này.
Theo Hồng Sơn, đâu là sự khác biệt giữa Quả bóng vàng và danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất Đông Nam Á?
Mỗi phần thưởng đều có giá trị, cùng những ý nghĩa riêng biệt. Tuy nhiên, cảm giác chờ đợi công bố danh hiệu Quả bóng vàng rất hồi hộp và khác biệt. Bởi với tất cả những cầu thủ Việt Nam, đây là danh hiệu cao quý và quan trọng nhất. Trong suốt lịch sử 14 năm diễn ra cuộc bầu chọn, thủ môn rất ít khi giành được phần thưởng này.
Trong lễ công bố Quả bóng vàng có cả vợ con Hồng Sơn cùng tham dự, phải chăng Hồng Sơn đã linh cảm được sẽ đứng trên bục vinh quang nhận giải thưởng?
Tôi hoàn toàn không có linh cảm mình sẽ được nhận Quả bóng vàng 2008. Với tôi vợ con luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, tôi đã quyết định đưa cả gia đình vào vì muốn có những người thân ở bên trong những thời khắc quan trọng nhất. Vợ tôi rất vui và tự hào khi chứng kiến chồng lên sân khấu nhận Quả bóng vàng.
Quả bóng vàng 2008 có ý nghĩa thế nào đối với sự nghiệp thi đấu của Hồng Sơn?
Đây có lẽ là cột mốc quan trọng và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp sân cỏ của tôi, năm nay tôi mới 27 tuổi, đời thủ môn sẽ còn rất dài. Quả bóng vàng 2008 sẽ tạo ra bước đà mạnh mẽ, giúp cho tôi thêm quyết tâm để tiếp tục vươn lên, phấn đấu giành được thêm nhiều thành tích cùng ĐT Việt Nam, lẫn CLB T&T Hà Nội.
Sau khi đã có được vinh quang, đích phấn đấu tiếp theo Hồng Sơn đặt ra sẽ là gì?
Hiện tại, T&T Hà Nội đang trải qua giai đoạn rất khó khăn nên trước mắt tôi sẽ dồn hết sức cống hiến đưa đội vượt qua thách thức. Thời gian qua, tôi mới chỉ bình phục được khoảng 70% chấn thương bả vai dính phải khi thi đấu AFF Cup. Tôi hy vọng sẽ sớm chữa trị dứt chấn thương để lấy lại phong độ, cống hiến nhiều hơn nữa cho T&T Hà Nội.
Cuối năm ĐT Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn quyết định ở vòng loại Asian Cup. Đây là một sân chơi khó khăn, nhưng cơ hội dành cho ĐT Việt Nam thì vẫn còn. Tôi và các đồng đội sẽ chiến đấu hết mình để hoàn thành tham vọng giành vé dự Asian Cup 2011.
Xin cảm ơn Hồng Sơn về cuộc trao đổi!
Hồng Sơn, Ngọc Châm đăng quang Qủa bóng vàng
Cầu thủ hay nhất AFF Cup – Dương Hồng Sơn và tiền đạo Ngọc Châm đã đoạt Quả bóng vàng Việt Nam 2008. Thứ tự hai danh hiệu bạc, đồng nam cũng không đổi cho Như Thành và Công Vinh.
Trong cuộc đua 4 sao, Hồng Sơn về nhất khi đoạt số điểm 331 điểm, bỏ xa người về thứ hai Như Thành đến 97 điểm (234 điểm). Trong khi đó, chỉ có 203 điểm, tiền đạo Lê Công Vinh nhận phần thưởng Quả bóng đồng.
Dương Hồng Sơn hạnh phúc với danh hiệu Quả bóng vàng 2008. Ảnh: An Nhơn
Lần đầu tiên được bầu chọn là Cầu thủ Việt Nam hay nhất năm 2008, thủ môn xuất sắc nhất AFF – Dương Hồng Sơn đã không khỏi xúc động khi nhận giải. “Tôi rất hạnh phúc với danh hiệu cao quý này. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những gì tôi đã cống hiến cho bóng đá nước nhà trong năm qua. Vinh quang này tôi cũng dành tặng cho thầy Calisto, người đã tin tưởng tôi ở tuyển quốc gia. Và cho tôi cũng gửi đến người hâm mộ lời cảm ơn khi đã luôn theo ủng hộ tôi và tuyển Việt Nam “, Sơn chia sẻ cảm xúc.
Để có những pha cứu thua xuất thần tại AFF Cup vừa qua, thủ môn CLB T&T Hà Nội tiết lộ rằng, người đã liên tinh thần, chấp cánh cho anh trong những pha bóng giải nguy đó chính là vợ và con anh. “Khi vào trận đấu hay những tình huống đối mặt với các tiền đạo, tôi luôn nhớ đến vợ và con. Chính vợ và con là nguồn động viên và luôn theo sát tôi. Tôi xin dành tặng phần thưởng này cho vợ và con yêu”, Sơn tâm sự.
Ngọc Châm và Hồng Sơn trở thành hai cầu thủ nam nữ hay nhất Việt Nam năm 2008. Ảnh: An Nhơn.
Ở cuộc đua danh hiệu nữ, Ngọc Châm thắng áp đảo 3 cầu thủ còn lại để đoạt Quả bóng vàng, khi có 397 điểm. 2008 có thể xem là năm thành công mỹ mãn của tiền đạo CLB Hà Nội. Ở cấp CLB, Châm giúp đội nhà đoạt chức vô địch quốc gia. Còn ở cấp tuyển quốc gia, tiền đạo mang áo số 9 để lại dấu ấn sâu đậm ở AFF Cup với những bàn thắng quan trọng giúp đội nhà đánh bại các đối thủ ngang tầm là Myanmar, Thái Lan và chỉ chịu khuất phục trước đội bóng mạnh Australia trong trận tranh HC vàng diễn ra tại sân Thành Long (TP HCM).
Danh hiệu Quả bóng bạc thuộc về trung vệ Đào Thị Miện (Hà Nội), với 197 điểm. Trong khi đó, với 99 điểm, tiền vệ Trần Thị Kim Hồng (TP HCM) nhận Quả bóng đồng.
Quả bóng vàng nam Dương Hồng Sơn:“Giấc mơ đã trở thành hiện thực”
Rất hạnh phúc khi biết mình trở thành chủ nhân mới của Quả bóng vàng – giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các tài năng bóng đá hàng đầu của Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức bầu chọn và trao tặng hàng năm – Dương Hồng Sơn (lá chắn tin cậy của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008) cho biết: “Trước lễ trao giải, tôi nghĩ mình có khoảng 70% cơ hội giành giải thưởng danh giá Quả bóng vàng. Nhưng tôi cũng rất hồi hộp, sợ giấc mơ không thành. Tôi đã luôn mơ ước có ngày góp mặt trong buổi lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam, và cho dù đó chỉ là danh hiệu Quả bóng đồng thì tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Nay, với danh hiệu Quả bóng vàng 2008, giấc mơ đời cầu thủ của tôi đã trở thành hiện thực. Được đứng trên bục cao nhất thì còn gì tuyệt vời hơn?”.
Vài nét về thủ môn Dương Hồng Sơn:
Sinh ngày 20-10-1982 tại Nghệ An
Cao: 176 – nặng: 72 kg
Tên CLB, đội bóng đã tham gia thi đấu: TCDK SLNA, T&T Hà Nội
Những cú tung người phá bóng ngoạn mục, sự chắc chắn trong các pha “xuất tướng” đã biến Hồng Sơn thành “ông chủ khu cấm địa” thực sự. Chiến thắng của tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2008 mang đậm dấu ấn của chàng thủ môn xứ Nghệ này.
Hồng Sơn tạo ấn tượng tốt từ đầu giải bằng những phản xạ tuyệt vời, cứu nguy nhiều bàn thua trông thấy. Trong năm qua, phong độ của anh tương đối ổn định. Anh là nhân tố quan trọng giúp đội T&T Hà Nội thăng hạng V-League mùa này.
Khả năng của Hồng Sơn không chỉ được các nhà chuyên môn trong nước nhìn nhận mà ngay cả các nhà chuyên môn của AFF cũng đánh giá cao. Chính vì thế, Hồng Sơn đã giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008”.
Quả bóng vàng nữ Đỗ Thị Ngọc Châm: “Quả bóng vàng là bước ngoặt của sự nghiệp”
Cũng không thể kìm giữ được nụ cười đầy hạnh phúc, Đỗ Thị Ngọc Châm (tân nữ hoàng của bóng đá nữ Việt Nam, ảnh) thổ lộ: “Trong quãng đời cầu thủ, khi bị dính hết chấn thương này đến chấn thương khác, nhiều lúc tôi tự than thở: Sao mình đen vậy? Nhiều khi tôi chỉ dám khóc thầm, chán nản và cũng có lúc định chia tay sân cỏ vì chấn thương hành hạ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cuối cùng tôi vẫn được ra sân và chơi bóng với niềm đam mê. Với danh hiệu Quả bóng vàng 2008, tôi nghĩ đây là một bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp, chứ không đơn thuần là chuyện… đổi vận.
Giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật. Với Quả bóng vàng trong tay, giờ đây, tôi khát khao cháy bỏng có thêm chiếc HCV SEA Games 25. Rồi sau đó, nếu tôi có thể giành thêm một danh hiệu Quả bóng vàng nữa thì quá tuyệt vời rồi còn gì”.
Vài nét về tiền đạo Đỗ Thị Ngọc Châm
– Sinh năm 1985, tuổi con trâu chính hiệu, khoác áo nữ Hà Nội.
– Ngoài ra còn nghề tay trái rất “ăn” là viết báo thành thạo và từng có bài về chân dung các nữ tuyển thủ Việt Nam Đào Thị Miện, Tuyết Mai, Kim Chi, Ngọc Anh… trên Báo Bóng Đá với bút danh NC.
Mảnh khảnh, xinh xắn, rất nhiều người nói rằng, Ngọc Châm hợp với công sở hoặc đại loại là những việc dành cho phụ nữ, cô nhất quyết không thể là một VĐV thể thao. Ấy vậy mà bằng lòng đam mê và đặc biệt là sự khổ luyện, nhẫn nại, cô gái Hà thành nhỏ nhắn đã là một trong những nữ cầu thủ nổi bật nhất của bóng đá Việt Nam năm 2008.
Không cao, cũng không “dầy”, nhưng Châm được các thầy đánh giá là có những tố chất đặc biệt. Sức bền, dẻo dai – cô luôn dẫn đầu trong các bài tập thể lực, khéo, thông minh trong các pha xử lý với bóng và đặc biệt là có duyên ghi bàn.
Ngọc Châm đảm nhiệm vai trò chủ công của tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 2007, Asian Cup 2008, AFF Cup 2008, và chơi rất nổi bật. Ở màu áo CLB, năm 2008 cũng là năm rất thành công của Ngọc Châm. Cô ghi 6 bàn thắng ở giải VĐQG, góp công lớn đưa Hà Nội giành chức vô địch.
Ngọc Châm tiết lộ, bóng đá và cô có duyên kỳ ngộ, cô sẽ nỗ lực tới khi không còn sung sức và sau đó sẽ giải nghệ trở về với thiên chức của một người phụ nữ. Hiện Châm đang là sinh viên của trường Đại học TDTT…
Trận đấu đáng nhớ của Công Vinh, Hồng Sơn
Không chỉ các bạn khiếm thị mà hai ngôi sao của bóng đá VN là Dương Hồng Sơn và Lê Công Vinh đã có một ngày hạnh phúc vào sáng 21-3. Họ hạnh phúc vì đã cùng với mọi người tham gia hoạt động xã hội rất có ý nghĩa: đấu bóng gây quỹ mổ mắt cho bạn Phan Thị Cẩm Tú.
Tiền đạo Lê Công Vinh bịt mắt đá bóng (trái): “Tôi chạm được bóng, không biết xử lý thế nào và co chân sút… hụt”-Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Trên đường đến sân Green Club (Q.12), đội bóng mái ấm Nhật Hồng cứ ca hát suốt hơn một giờ ngồi xe. Tình nguyện viên (TNV) nhắc: “Không giữ sức làm sao lát đá được?”. Các bạn cười: “Bữa nay được đá bóng giúp bạn Tú, được giao lưu với anh Vinh và anh Sơn. Biết bao giờ mới có dịp giao lưu với hai anh ấy nữa. Vui như vậy sao không hát… xả láng luôn!”.
Ánh Xuân (trái) làm móc khóa hình trái tim tặng hai anh Công Vinh, Hồng Sơn -Ảnh: N.K.
Nhiều tấm lòng ủng hộ Cẩm Tú
Sự có mặt của thủ môn Hồng Sơn và tiền đạo Công Vinh đã đem đến sự thích thú cho các bạn khiếm thị. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc vì được nắm tay, giao lưu với những thần tượng.
Trong lúc Công Vinh và Hồng Sơn chăm chú theo dõi các cầu thủ khiếm thị thi đấu trên sân cỏ nhân tạo, ở một góc sân, bạn Lê Thị Ánh Xuân (18 tuổi) đang mò mẫm đan hai móc gắn chìa khóa có hình trái tim bằng hạt nhựa để tặng hai anh. Nhận món quà này từ Ánh Xuân, cả Công Vinh và Hồng Sơn không khỏi cảm động khi nghe cô bé nói: “Em làm hai trái tim này tặng các anh nhưng không biết màu sắc nó như thế nào, chỉ làm theo chỉ dẫn của các dì ở mái ấm Nhật Hồng và theo thói quen: hạt to bên ngoài và hạt nhỏ bên trong”.
Nhân vật chính của trận đấu từ thiện – bạn Phan Thị Cẩm Tú – cũng bày tỏ tình cảm với hai thần tượng của mình: “Em không thể xem trực tiếp hai anh thi đấu tại AFF Suzuki Cup 2008 nhưng vẫn nghe được các anh đá rất hay. Em ao ước được gặp hai anh và hôm nay quả là ngày hạnh phúc nhất của em”. Nỗi hạnh phúc của Cẩm Tú còn được nhân lên gấp bội khi cô nhận được nhiều tấm lòng chia sẻ và tiền quyên góp giúp mổ mắt.
Các cầu thủ khiếm thị trò chuyện cùng thủ môn Dương Hồng Sơn-Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Bạn Giang Nam – người đạt kỷ lục VN về sản phẩm siêu nhỏ – tình cờ đọc được lời kêu gọi giúp đỡ Phan Thị Cẩm Tú trên mạng đã lập tức liên lạc ngay với các TNV CLB Bóng đá và cộng đồng để đề xuất tặng hai sản phẩm siêu nhỏ: một đàn kiến và một đoàn đua xe đạp dành cho việc bán đấu giá (giá khởi điểm 40 USD) gây quỹ giúp Tú. Do thời gian quá gấp nên anh cật lực làm suốt mười giờ để kịp làm ra hai sản phẩm trên đem đến cho trận đấu và số tiền thu được cho Tú thì ngoài mong đợi. Thủ môn Hồng Sơn không ngần ngại bỏ ra 500 USD để mua một món, còn chị Thái Thị Ngọc Liên – chủ nhiệm sân Green Club – mua món còn lại với giá 100 USD.
Chậm chân và không còn gì để mua, Công Vinh tỏ ra khá tiếc nuối và anh không “chịu thua” khi tuyên bố tặng 5 triệu đồng vào quỹ cho Tú có thêm tiền mổ mắt. Đó là chưa kể khoản tiền hơn 1 triệu đồng thu được từ việc bán các sản phẩm và 2,8 triệu đồng mà nhóm Lá bồ đề tặng. Chứng kiến sự giúp đỡ của mọi người như thế, Tú bồi hồi xúc động thấy rõ. Cô cầm tay TNV mà những ngón tay cứ run lẩy bẩy. Tú chẳng nói được gì, chỉ bảo “em rất vui” rồi lại nghẹn lời…
Công Vinh lau mồ hôi cho một cầu thủ đội mái ấm Nhật Hồng -Ảnh: N.K.
Trận đấu yêu thương
Buổi giao lưu vui nhất chính là lúc Công Vinh và Hồng Sơn xỏ giày vào sân thi đấu chung với các bạn khiếm thị. Công Vinh bịt mắt, đeo băng đầu đá vị trí tiền đạo của đội bóng khiếm thị chùa Kỳ Quang, còn Hồng Sơn làm thủ môn cho đội mái ấm khiếm thị Nhật Hồng và không phải bịt mắt hay băng đầu do vị trí này không yêu cầu.
Công Vinh háo hức xỏ giày ra sân và hầu như không có được pha bóng nào ra trò dù các đồng đội ưu ái chuyền bóng cho anh. Vinh không xác định được hướng bóng và khi có bóng thì sút trượt khiến mọi người không khỏi cười ồ. Nhưng vui nhất là tình huống trọng tài phải dẫn Vinh đi tìm bóng và cảnh anh đã té vật ra vì bị một cầu thủ mái ấm Nhật Hồng ham bóng lao vào người. “Thưa các bạn, anh Công Vinh đã té và trọng tài đang… an ủi anh!” – lời bình luận của MC khiến mọi người cười nghiêng ngả. Vinh và Sơn cũng cười – những nụ cười hạnh phúc.
Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-0 nghiêng về đội Kỳ Quang, nhưng điều đó không quan trọng. Bởi cầu thủ hai đội đã vượt lên những khó khăn của cá nhân để giúp một người bạn cùng hoàn cảnh được mổ mắt. Nói như các cầu thủ đội bóng Kỳ Quang trong giờ nghỉ giải lao: “Tụi mình không thấy đường mà cũng có cơ hội làm việc tốt, sướng ghê!”.
Được sống có ý nghĩa, sống có ích đối với những người bạn khiếm thị này là một niềm hạnh phúc lớn lao. Công Vinh và Hồng Sơn cũng thế.
Thu nhập cao cộng với môi trường sống dễ chịu… đã khiến VN trở thành nơi “đất lành chim đậu” với các ngoại binh. Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho bóng đá VN.
Kể từ sau trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng khiếm thị, câu chuyện của Phan Thị Cẩm Tú đã đến được nhiều tấm lòng. Tuy nhiên chuyện về một cô gái cần mổ mắt lại đang mở ra một câu…
Rất nhiều tuyển thủ U19 Việt Nam đã quyết định gia nhập CLB Vì Cộng Đồng (vicongdongclub.net) trong chương trình Mùa Xuân Vì Cộng Đồng. Nội dung của chương trình là gói và nấu gần 750 đòn bánh tét, tặng quà và lì xì cho 200 hộ gia đình nghèo, những cụ già neo đơn, trẻ em lang thang đánh giày, bán vé số… nhân dịp mùa Xuân về.
HLV Park Hang-seo trở thành chủ nhân giải đặc biệt cho chuyên gia ngoại của năm, tiền vệ Nguyễn Quang Hải được bầu chọn là Nam VĐV của năm. Đó là hai trong số 11 giải thưởng của Cúp chiến thắng 2018 với Gala trao giải được tổ chức trọng thể và nhiều màu sắc vào tối 1.2.2019 tại Đài truyền hình Việt Nam.
Trang chuyển nhượng bóng đá quốc tế (fussballtransfers) vừa đăng tải thông tin về việc hậu vệ Đoàn Văn Hậu được CLB đang xếp hạng 4 giải Bundesliga Đức – Borussia Monchengladbach để mắt suốt hai năm qua và tính đến việc sẽ chiêu mộ cầu thủ sinh năm 1999 này.
Sau vòng đấu thứ 26 tại V-League 20915 vừa qua, cựu tuyển thủ ĐTQG Nguyễn Minh Phương đã chính thức nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu sau 17 năm gắn bó với sân cỏ. Tại trận đấu giữa SHB Đà Nẵng và FLC Thanh Hoá trên sân Chi Lăng, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn đã thay mặt lãnh đạo VFF trao quà lưu niệm và cảm ơn những đóng góp quan trọng của tiền vệ tài hoa này đối với ĐTQG.
“Mỗi lúc khó khăn, tôi lại nhớ đôi giày mẹ mua cho. Đấy là đôi giày đầu tiên của cuộc đời cầu thủ của tôi và để có nó, mẹ đã phải bán đi con trâu trong nhà”, Phạm Xuân Mạnh bắt đầu câu chuyện đầy xúc động.
Thủ quân Olympic Việt Nam và ba cầu thủ khác gồm: Đức Chinh, Văn Thanh và Văn Đức muốn dành toàn bộ số tiền 250 triệu đồng do ca sỹ Ngọc Sơn cùng học trò tặng tại Asiad vừa qua cho ĐT nữ Việt Nam.
Nhà tài trợ
® Ghi rõ nguồn vff.org.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ từ website này.
Liên hệ với chúng tôi: Trưởng ban biên tập: Nguyễn Thu Hà. Phó ban biên tập: Hà Nhật Đoàn.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới, VFF không chịu trách nhiệm nội dung các trang này.
Địa chỉ: Đường Lê Quang Đạo – Phường Phú Đô – Q. Nam Từ Liêm – TP. Hà Nội. Điện thoại: +84.4.22425998 Fax: +84.4.38233119.