Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


HLV Guillaume & Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG

Phóng  viên có cuộc trò chuyện với HLV Guillaume Graechen, Giám đốc kỹ thuật của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG trong dịp ông về nghỉ tại thành phố xinh đẹp Dijon, quê hương ông.

17/11/2009 00:00:00
Phóng  viên có cuộc trò chuyện với HLV Guillaume Graechen, Giám đốc kỹ thuật của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG trong dịp ông về nghỉ tại thành phố xinh đẹp Dijon, quê hương ông.

Với sự tuyển chọn gắt gao và quy mô rộng, hiện các em tham gia khóa học ở Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG đều có tiềm năng rất lớn, như vậy mục tiêu của BHL là gì ?

Ưu tiên trước nhất của chúng tôi là giáo dục cho các em không chỉ trở thành những cầu thủ giỏi mà sau khi tốt nghiệp khóa học, ở độ tuổi 17, 18, các em sẽ là những chàng trai có phẩm cách riêng, biết tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng. Về mặt chuyên môn, tôi tin sẽ có từ 60-80% học viên đủ khả năng để được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ở tất cả các nước mà JMG mở học viện từ 7 năm trở lên thì thành phần đội tuyển quốc gia đều có các cầu thủ của chúng tôi. Tại Việt Nam, học trò của tôi lợi thế hơn khi vẫn chưa có mô hình đào tạo nào giống với HAGL-Arsenal-JMG. Chúng tôi không đặt mục tiêu toàn bộ các em đều trở thành tuyển thủ quốc gia vì có những yếu tố không thể lường trước chi phối như chấn thương, bệnh tật…

Ở Việt Nam đã hơn 2 năm, ông có theo dõi các giải VĐQG ? Ông nghĩ gì về bóng đá Việt Nam?  Mở rộng ra hơn, theo ông vì sao bóng đá châu Á vẫn đi sau các cường quốc châu Âu và Nam Mỹ ?

Bóng đá Việt Nam đang trên đường phát triển và hiện đã có nhiều tiến bộ. Một số CLB chuyên nghiệp có cơ sở vật chất rất tốt, là điều kiện lý tưởng cho các cầu thủ phát triển về chuyên môn. Giải V-League tuy còn nhiều trận tẻ nhạt nhưng có không ít trận đấu rất hấp dẫn. Nhìn về bóng đá châu Á, tuy hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những cường quốc trên thế giới về kinh tế nhưng khả năng tài chính của các CLB tại những nước này vẫn còn yếu khi so sánh với các CLB lớn của châu Âu. Các cầu thủ giỏi trên thế giới đều tập trung về chơi bóng ở các giải bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức… nên các cầu thủ châu Âu có nhiều cơ hội cọ xát để tự hoàn thiện mình.

 Hai năm “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” cùng các cậu trò nhỏ, điều gì để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất? Các em đang ở độ tuổi thiếu niên, độ tuổi của nhiều thay đổi, ông đã chuẩn bị cho các em và cho chính mình như thế nào ?

Hè vừa qua, tôi vắng mặt 5 tuần để đi tuyển sinh, gặp nhiều em nhỏ đến dự thi, tôi mới chợt nhận ra các học viên của tôi đã lớn lên nhiều lắm. Ở bên cạnh, tuy các em cao to hơn, rắn chắc hơn tôi đều nắm qua số liệu thống kê nhưng tôi không cảm nhận được sự thay đổi ấy. Hai năm với tôi trôi đi quá nhanh, chỉ mới như ngày hôm qua. Các cậu nhóc bé tí của tôi ngày nào bây giờ đã là những chàng thiếu niên, bắt đầu thích xịt keo, xài nước hoa và có…bạn gái. Các em cũng dần bộc lộ cá tính của mình, thỉnh thoảng cũng có vài phản ứng khi tôi khiển trách. Trong một chừng mực nào đó, đây là những phản ứng tích cực vì nếu HLV giải quyết hợp lý sẽ giúp các em trưởng thành hơn. BHL luôn phải “canh chừng” những thay đổi trong tính cách của các cậu bé để uốn nắn kịp thời và giữ cho các em luôn giản dị, khiêm nhường. Nhất là trong hoàn cảnh điều kiện sinh hoạt của học viên Học viện cao hơn bạn bè đồng trang lứa tại Gia Lai và ngay trong chính tập thể, các em cũng xuất phát từ những gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau. Chúng tôi hài lòng vì cho đến giờ các em xem nhau như anh em một nhà.

Về mặt chuyên môn, các em khóa 1 đã có những tiến bộ như thế nào ?

Hiện tại tôi cho các em tập chủ yếu về kỹ-chiến thuật chứ chưa chú trọng các bài tập thể lực vì các em vẫn còn nhỏ. Các em tiến bộ rất nhanh, ví dụ ở bài tập tâng bóng bằng chân thuận, khởi điểm một số em chỉ tâng được 50 lần, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó tất cả đều đạt con số 200. Các em cũng ngày càng nhanh hơn trong các bài tập chạy 10m, 30m và đa số có tốc độ cao hơn các bạn đồng trang lứa. Một điểm thú vị khác là tôi ngày càng mệt hơn khi đá bóng chung với các em. Hai năm trước tôi “nhàn nhã” bao nhiêu thì bây giờ tôi thở dốc bấy nhiêu mỗi khi cùng các em “quần thảo” trên sân. Mục tiêu của tôi là trong một hai năm tới đây, tôi… không thể chơi bóng cùng các em nữa.

Về kết quả, tất cả các trận đấu gặp những đội U.14 trong nước, học viên của tôi đều giành thắng lợi và thường với cách biệt khá cao, như cách đây vài tháng, đá giao hữu với U.14 Bình Định, các em đã thắng 15-0. Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ sắp xếp để các em đấu với các đội lớn hơn nhằm tăng sự thử thách.

Ông và các cộng sự tổ chức chương trình huấn luyện ra sao khi có khóa mới ?

Tôi tuyển thêm một cộng sự, chúng tôi chia các em thành 2 nhóm tập luyện. Các em khóa 1, do đã quen với chương trình tập luyện, tôi sẽ giao cho HLV phụ tá coi sóc ở những bài tập kỹ thuật cơ bản và dành nhiều thời gian lúc ban đầu cho khóa mới. Riêng những bài tập về chiến thuật hoặc khi các em chia nhóm ra đá tập, tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn.

Sau 7 năm được rèn luyện, Học viện trang bị cho các em hành trang gì để bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp ?

Chúng tôi trang bị cho các em một nền tảng bài bản về kỹ thuật, chiến thuật và tạo mọi điều kiện để các em có thể phát triển tối đa về thể lực. Khi các em mới vào Học viện ở độ tuổi 10, 11, các em sẽ chỉ đấu tập trên sân 40m và theo hình thức 5 chống 5, dần dần chúng tôi nâng lên thành sân 60m, 7 chống 7… Các em cũng sẽ được thử sức với các bài tập tuyển dụng của các CLB châu Âu. Sau 7 năm rèn luyện, chúng tôi hy vọng trong khóa đầu tiên sẽ có hai, ba em đủ trình độ để chơi bóng ở châu Âu. Em nào có biểu hiện “ngôi sao” là bị các thầy chỉnh ngay. Phương châm của học viện là “Hãy thu nhỏ mình lại để trở nên lớn hơn”. Thời gian sắp tới, khi đủ độ chín chắn, các em sẽ được học một khóa về giao tiếp và truyền thông.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Nguồn: Theo Thanh Niên