Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Hướng tới đại hội VFF nhiệm kỳ VII: Khơi nguồn tài chính

Nhiệm kỳ VII của BCH VFF có rất nhiều chương trình mục tiêu, từ ngắn hạn đến dài hạn và có tính kết nối, tạo điều kiện để hoàn thành tầm nhìn hướng đến tương lai.

Bên cạnh việc đặt ra lộ trình, xác lập quyết tâm cùng những bước đi bài bản, thì yếu tố quyết định cho sự thành bại của một nền bóng đá là tài chính. Vậy nên, việc khơi nguồn tài chính – vốn đã phần nào suy giảm ở mọi góc độ do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế – là yêu cầu sống còn.

LỘ TRÌNH TRĂM TỶ
Cần phải nhắc lại, trong nửa đầu của VFF nhiệm kỳ VI, công tác tiếp thị tài trợ đã có sự bùng nổ mạnh mẽ. Giá trị thương quyền của ĐTQG và các giải đấu do Liên đoàn quản lý có sự tăng trưởng đột phá. ĐTQG đã ký hợp đồng tài trợ với những đối tác rất mạnh như Dentsu, Nike… Ở các giải đấu trong nước, bản hợp đồng kỷ lục với Eximbank và Tôn Hoa Sen đã được ký kết. Điều này có được là nhờ hành công của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup cũng như sự sôi động của sân chơi quốc nội cùng một hướng đi hợp lý trong tiếp thị.

Trong nửa sau của VFF nhiệm kỳ VI, công tác tiếp thị tài trợ gặp nhiều khó khăn do sự khủng hoảng của nền kinh tế. Chưa hết, năm 2012, VFF đã chuyển giao những gói tài trợ tốt với Eximbank, Tôn Hoa Sen cho VPF điều hành, quản lý. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của VFF. Tuy nhiên, Liên đoàn đã chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính, tài trợ đáp ứng được sự đòi hỏi phát triển không ngừng của bóng đá Việt Nam, đặc biệt chi cho công tác đào tạo các đội tuyển trẻ không có chế độ của Nhà nước và hệ thống các giải trẻ vốn không có tài trợ.

Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của VFF nhiệm kỳ VII là phải khơi được nguồn tài chính. Đây thực sự là bài toán khó với những người làm bóng đá nước nhà bởi thành tích của các ĐTQG đi xuống trong khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để thực hiện những kế hoạch lớn hướng đến tương lai, bắt buộc chúng ta phải có nền tảng tài chính dồi dào và bền vững.

Trong nhiệm kỳ mới, VFF đặt mục tiêu sẽ có nguồn thu từ 100 đến 130 tỷ đồng/năm. Riêng với công ty VPF, cái đích về tài chính cần phải hoàn thành trong giai đoạn 2014-2018 là 100 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nguồn thu hàng năm của các CLB đang chơi ở  V-League sẽ vào khoảng từ 40-50 tỷ đồng trong giai đoạn này. 

Với nguồn tài chính như trên, VFF và VPF đủ khả năng chi trả cho các kế hoạch lớn của mình. Đồng thời, có khả năng hỗ trợ cho các hoạt động khác, đặc biệt là các đội bóng có nhiều khó khăn. Còn với các CLB bóng đá, với nguồn thu như vậy, về cơ bản, họ sẽ có được sự ổn định về tài chính để hoạt động và phát triển.

GIẢI PHÁP KIẾM TIỀN
Để giải được bài toán về tài chính, những người làm bóng đá Việt Nam cần hình thành chiến lược tiếp thị một cách toàn diện để nâng cao giá trị thương hiệu của các ĐTQG, các giải thi đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải thi đấu khác do VFF đăng cai tổ chức. Thực tế cho thấy, bóng đá vẫn là một kênh quảng bá hữu hiệu cho thương hiệu cá nhân cũng như doanh nghiệp. 

Vấn đề của những người làm bóng đá là làm sao chứng tỏ được giá trị và quyền năng của mình đối với các đối tác bằng những chiến lược và biện pháp rõ ràng, hiệu quả.

Đối với ĐTQG, trong thời gian sớm nhất, cần tìm kiếm các đối tác ký hợp đồng tài trợ độc quyền hoặc tài trợ từng phần. Đa dạng các hình thức quảng cáo, tài trợ dựa trên khai thác hình ảnh của các đội tuyển là yêu cầu bắt buộc nhằm tìm kiếm sự ổn định và gia tăng nguồn thu về tài trợ. 

Tiếp tục có những giải pháp đột phá về khai thác bản quyền truyền hình, bản quyền truyền thông đa phương tiện, quảng cáo trên radio, internet… Với nhiều nền bóng đá, bản quyền truyền hình luôn chiếm một tỷ lệ quan trọng trong tổng số nguồn thu. Với đặc thù của bóng đá Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn thu từ bản quyền truyền hình cần phải có một chiến lược rõ ràng, phù hợp nhằm đạt mục đích cuối cùng là gia tăng nguồn thu. Vì thế, bóng đá Việt Nam cần có kế hoạch, con người và bước đi táo bạo nhằm khai thác ích lợi từ việc khai thác nguồn thu từ việc mua bán, trao đổi bản quyền truyền hình, radio, internet. Thực tế cho thấy, đáp ứng yêu cầu về quảng bá trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng cho các doanh nghiệp là cách nhanh, tốt nhất làm gia tăng giá trị gói tài trợ. 

Với các CLB, việc đa dạng hóa các nguồn thu, chú trọng tăng cường hiệu quả khai thác cơ sở vật chất, các công trình được nhà nước chuyển giao, kể cả các hoạt động ngoài bóng đá là yêu cầu bắt buộc nhằm hướng đến sự cân bằng về tài chính.

Tìm kiếm đối tác thương mại
Để khơi thông nguồn tài chính, chúng ta cần xây dựng hệ thống các đối tác thương mại với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn và ký kết các hợp đồng hỗ trợ về tài chính cho các mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam; đảm bảo quyền lợi của các đối tác thương mại.

Đề xuất thí điểm hoạt động đặt cược bóng đá
VFF đặt mục tiêu đa dạng hóa các loại hình quỹ phát triển bóng đá ở nhiều cấp để tạo nguồn thu đầu tư cho phát triển tài năng bóng đá. Dùng kinh phí của các quỹ này để chi cho việc hỗ trợ, khen thưởng thành tích xuất sắc của vận động viên, đào tạo văn hóa, hướng nghiệp, trợ cấp chữa trị chấn thương… Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam do VFF trực tiếp quản lý. 

Đặc biệt, những người làm bóng đá cần sớm nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá hoặc dự đoán kết quả bóng đá có thưởng để tạo nguồn thu cho Quỹ phát triển bóng đá Việt Nam.

Nguồn: Bongdaplus.vn