Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam: Ngày ấy, bóng đá Sài Gòn phục sinh

Chỉ bốn tháng sau ngày xe tăng Quân giải phóng húc đổ cửa Dinh Độc lập, sân Cộng Hòa đã được chứng kiến một ngày hội bóng đá. Hơn 20.000 khán giả ngồi kín sân vận động. Trước đó cả tháng trời, trận đấu lịch sử ấy đã được tuyên truyền rộng rãi, khán giả hàng ngày đến sân háo hức chờ đợi và xem các cầu thủ tập luyện rồi bình luận.

Chỉ bốn tháng sau ngày xe tăng Quân giải phóng húc đổ cửa Dinh Độc lập, sân Cộng Hòa đã được chứng kiến một ngày hội bóng đá. Hơn 20.000 khán giả ngồi kín sân vận động. Trước đó cả tháng trời, trận đấu lịch sử ấy đã được tuyên truyền rộng rãi, khán giả hàng ngày đến sân háo hức chờ đợi và xem các cầu thủ tập luyện rồi bình luận.


Trận bóng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất


Ngày 2/9/1975, ngày quốc khánh đầu tiên ở cả hai bờ sông Bến Hải. Sân vận động Cộng Hòa động nghẹt người hâm mộ đến từ buổi sáng dù mãi đến chiều bóng mới lăn. 20.000 khán giả ngồi kín sân còn ngổn ngang bụi bặm và dấu vết sau chiến tranh. Ngay từ buổi trưa, lực lượng bảo vệ sân đã phải hạ lệnh đóng dần các cánh cửa lại vì nguy cơ vỡ sân.

Đỗ Thới Vinh (trái), người có mặt trong trận đấu lịch sử mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thông nhất đất nước. Ảnh: TTO

Trận đấu diễn ra với sự có mặt của Chủ tịch mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ, nguyên vẹn đội tuyển bóng đá Việt Nam cộng hòa cũ trong đó không ít người từng khoác áo lính, áo cảnh sát chế độ cũ. Họ ra sân trong màu áo Hải Quan và Ngân Hàng. Hai đội bóng “chính quy” đầu tiên của miền Nam làm cuộc khai sinh cho một cuộc phục sinh bóng đá trên một vùng đất còn ngổn ngang dấu vết chiến tranh.

Đó còn là một thách thức lớn của những cầu thủ thời bình khi các đài nước ngoài cứ khăng khăng trận cầu ấy sẽ là cuộc “tắm máu”. Cái ngôn từ “tắm máu” cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần như một dạng khủng bố tinh thần. Nhưng hai đội vẫn hiên ngang và tự hào khi ra sân giữa tiếng vỗ tay vang dội cả khán đài, của hơn 20.000 khán giả đến chiêm ngưỡng sự phục sinh của bóng đá.

Đội Hải Quan hình thành từ cái nền Quan Thuế cũ gồm thủ môn Hồ Thanh Chinh (sau thay bằng Đỗ Lễ). 13 cầu thủ trong sân là Phạm Văn Lắm (sau thay bằng Đỗ Cẩu), Trung, Quang, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Văn Tám, Trần Tiết Anh (Đỗ Thới Vinh), Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Ngôn (Đỗ Văn Khá).

Đội Ngân Hàng giữ nguyên vẹn đội hình Việt Nam Thương Tín vô địch giải hạng nhất Sài Gòn cũ có bổ sung chút ít. Hương, Cầu, Tiếu, Long (Quang Tiến, Thăng, Trí (Hòa), Vân, Mười (Hải), Quang Đức Vĩnh, Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm (Hoàng).

Hồ Thanh Cang (phải) và Phạm Huỳnh Tam Lang hôm nay… Ảnh: TTO

Sau tiếng còi nhập cuộc, khán đài rộ lên tiếng vỗ tay đánh dấu cột mốc bóng lăn sau ngày thống nhất đất nước. Không ít người lặng đi và lấy tay quệt vội nước mắt khi Ngôn đẩy nhẹ mũi giày cho quả giao bóng ở vạch giữa sân.

Phạm Huỳnh Tam Lang, con người của 2 trận cầu lịch sử ấy

Tam Lang, người hiếm hoi có mặt trong cả hai trận cầu lịch sử trên cũng là người được hưởng nhiều ân huệ của bóng đá sau ngày đất nước Thống Nhất. Từ một cầu thủ khoác áo Cảnh sát Quốc gia của chế độ cũ, Tam Lang khoác áo Cảng Sài Gòn thi đấu đến cuối cuộc đời cầu thủ và được tạo điều kiện đi tu nghiệp nước ngoài.

Anh là người từ chối những môi trường, điều kiện tốt, kể cả sự lôi kéo… với mong ước được trở về quê hương phục vụ tổ quốc. Ngày anh về lại Việt Nam, bẹn bè và nhiều người không tin rằng Tam Lang từ chối tất cả để trở về phục vụ đất nước.

Sau đó Tam Lang được kết nạp Đảng, được tín nhiệm chọn là HLV đội tuyển Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Mới phút thứ 11, trung phong Tiết Anh dù hơi mập nhưng vẫn còn nhanh nhẹn mở điểm cho Hải Quan. Ba phút sau, Võ Thành Sơn chớp thời cơ ghi bàn quân bình 1-1 từ sai lầm của hậu vệ Hải Quan. Hồ Thanh Chinh chưa kịp sửa sai cho đồng đội thì bóng đá nằm gọn trong lưới trước sự thán phục của hơn 20.000 khán giả. Một phút sau, từ pha dàn xếp đẹp giữa Tám và Thuận, tỷ số là 2-1 cho Hải Quan. Phút 28, Tiết Anh bị đốn trong vòng cấm. Hồ Thanh Cang lãnh nhiệm vụ thực hiện quả 11 mét, bóng dội trụ đến chân Ngôn và chiếc chân trái lừng danh của bóng đá Sài Gòn đã nâng tỷ số lên 3-1 cho Hải Quan.

Hai tháng sau, nhân Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước, sân Cộng Hòa đổi tên thành sân Thống Nhất. Năm 1979, giải bóng đá Cửu Long khai mạc. Năm 1980, giải bóng đá vô địch quốc gia lần thứ nhất diễn ra trên toàn quốc, ba đội của TP.HCM tham dự và Hải Quan đoạt hạng nhì toàn quốc…

… Tiếp theo, lớp Tam Lang – từng khoác áo cảnh sát quốc gia cũ – rời sân cỏ đi CHLB Đức tu nghiệp làm huấn luyện viên trở về quê hương phục vụ đất nước, rồi sau đó được kết nạp Đảng. Lớp cầu thủ thuộc thế hệ sau này như Lê Huỳnh Đức, con của Lê Văn Tâm – người dự trận cầu lịch sử trên – trở thành tuyển thủ quốc gia và bây giờ thành HLV trưởng SHB Đà Nẵng.

Tương tự, Đỗ Khải con của Đỗ Cẩu trở thành một trung vệ khét tiếng làm nên hàng phòng ngự thép của thời kỳ thế hệ vàng; Mỹ Oanh, con Đỗ Văn Khá khoác lên tay chiếc băng đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam những năm 95, 96 với dấu ấn chiếc cúp vàng tiền SEA Games 95 và nay làm HLV đội tuyển… Mọi sự đã khởi đi từ trận bóng đầu tiên trong ngày 2.9.1975 ấy.

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang (trái) bắt tay chúc mừng HLV Đức Chung cùng U-23 VN đoạt Merdeka Cup 2008. Họ là những người đã có mặt trong cuộc so tài đầu tiên của bóng đá hai miền Nam – Bắc. Ảnh: TTO

Cuộc chạm trán đầu tiên của bóng đá hai miền sau ngày thống nhất đất nước


Người hâm mộ gọi ngày Chủ nhật ngày 7/11/1976 là ngày Chủ nhật đỏ. Ngày mà lần đầu tiên trên sân vận động mới được đổi tên là Thống Nhất diễn ra trận bóng đá của hai đội bóng đại diện cho hai miền: Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn. Trận bóng được chuẩn bị trước đó cả nửa năm nhưng với người hâm mộ thì quãng thời gian chờ đợi để chứng kiến trận cầu lịch sử ấy lại là một quá trình thử thách lòng kiên nhẫn của con người nhất là những tín đồ bóng đá mong mỏi có một trận bóng giữa bóng đá hai miền sau ngày thống nhất.

19 giờ 30 bóng lăn nhưng 16 giờ khán giả đã ngồi tràn cả ra đường piste. Bên ngoài sân, nhiều người có vé vẫn không vào được. Tiếng đập cửa bên ngoài sân nghe càng lúc càng nặng nề hơn khi nhiều thượng đế có vé mà vẫn không vào được.

Thật cảm động khi hàng ngàn người tiu nghỉu bên ngoài sân đã tự chọn cho mình được những vị trí lý tưởng để ngồi… nghe tường thuật trực tiếp ở bên ngoài như thể đang tận hưởng cái không khí nóng bỏng trong sân. Tiếng reo hò bên ngoài qua chiếc radio hòa với tiếng la hét của hơn 25.000 khán giả may mắn vào được trong sân. Đó cũng là con số kỷ lục trên sân Thống Nhất.

Dưới ánh đèn cao áp cầu thủ hai đội dẫn tay nhau đi từ đường hầm lên trong tiếng vỗ tay rần trời của khán giả. Trong niềm vui, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng hát nhộn nhịp theo bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” được phát ra từ chiếc loa phóng thanh còn có cả những giọt nước mắt chảy dài vì hạnh phúc.

Huấn luyện viên đội Tổng cục Đường sắt là Trần Duy Long (nay là chuyên viên, cán bộ của LĐBĐ TP,HCM) khi ấy mới 36 tuổi đã kể lại cái giây phút ấy như sau: “Được cấp trên giao nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong vào miền Nam thi đấu bóng đá sau ngày giải phóng đất nước anh em nôn lắm. Hay tin ấy từ khi còn tập huấn bên Trung Quốc. 

Đội hình CSG ngày ấy…. Ảnh tư liệu

Đi đá nước ngoài anh em không ai bị tâm lý cả thế mà từ ngày được giao nhiệm vụ chuẩn bị vào Nam ai cũng trạng thái và bồn chồn vì niềm vinh dự trong trận cầu lịch sử ấy lớn quá.

Dày dạn thế mà khi dẫn nhau ra sân, ai cũng mắt đỏ hoe vì cảm động. Tôi tin rằng đến nay vẫn không ai quên được giây phút lịch sử ấy khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi hồi còi khai cuộc…”.

Cảng Sài Gòn đưa ra thành phần thiện chiến với sơ đồ 4-2-4 gồm thủ môn Lưu Kim Hoàng, hậu vệ Trung, Thăng, Tam Lang, Quang, tiền vệ Kịch, Thà, tiền đạo Ngọc, Cù Sinh, Tư Lê, Ngôn. Phía Tổng cục Đường sắt là thủ môn Trường Sinh, hậu vệ Phương, Khắc Chính, Quang, Thụy, tiền vệ Thụy Hải, Đức Chung, tiền đạo Minh Điểm, Lộc, Hoàng Gia, Ân.

Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-0 nghiêng về phía Tổng cục Đường sắt. Mai Đức Chung đánh đầu cận thành từ đường chuyền của Thụy Hải mở tỷ số ở phút 28, sau đó phút 54, lần này là Thụy Hải tung cú sút xa ấn định tỷ số. Một trận cầu đẹp không chỉ những pha trình diễn kỹ thuật của đôi bên mà cái đẹp lớn nhất là hình ảnh cầu thủ hai đội ôm nhau sau tiếng còi dứt trận.

Bên ngoài sân, mặt trước khán đài A, khán giả đứng đông nghịt chờ từng cầu thủ ra sân chỉ để được nhìn mặt hoặc xin bắt tay các đại diện của bóng đá phía Bắc. Chiếc xe ca chở đội Tổng cục Đường sắt nhích từng centimet giữa đám đông ái mộ.

Cầu thủ Mai Đức Chung, người ghi bàn mở tỷ số hôm ấy, từng làm HLV trưởng ĐT nữ, U-23 VN, hiện là Trưởng bộ môn bóng đá, nhớ lại: “Cả chúng tôi lẫn khán giả chẳng ai quan tâm đến bàn thắng và đội Cảng Sài Gòn cũng chẳng ai buồn với thất bại vì đó là một ngày hội thực sự trên sân Thống Nhất mà chỉ việc có mặt trong không khí của trận cầu lịch sử ấy đã là người chiến thắng rồi. 

Anh em chúng tôi hôm ấy nhiều người đã khóc khi ra sân khi nghĩ đến biết bao người đã nằm xuống để có một trận bóng lịch sử giữa hai miền tại một đất nước thống nhất…”.

Bốn năm sau trận cầu lịch sử ấy, Việt Nam mới hình thành giải vô địch quốc gia nhưng phải 15 năm sau thì bóng đá Việt Nam mới hội nhập ở Hội thao Đông Nam Á tại SEA Games 16 năm 1991 ở Philippines. Với sứ mệnh hội nhập trong cuộc mang chuông đi đấm xứ người đầu tiên ấy chỉ còn mỗi Lê Khắc Chính là hiện thân của trận cầu lịch sử năm 1976.

19 năm sau, khi cả Đông Nam Á biết đến bóng đá Việt Nam qua chiếc huy chương bạc SEA Games 18 năm 1995 và 33 năm sau thì bóng đá Việt Nam đoạt chiếc cúp vàng Đông Nam Á cao qúy tại AFF Suzuki Cup 2008…

Đến nay thì các thế hệ sau này vẫn còn nghe nhắc đến ngày hội bóng đá hai miền trên sân Thống Nhất ấy và tin rằng tất cả được khởi đi từ cái ngày hạnh phúc đó. 

Nguồn: Theo VNN