Làn sóng cầu thủ ngoại nhập tịch VN: “Đất lành chim đậu”
Thu nhập cao cộng với môi trường sống dễ chịu… đã khiến VN trở thành nơi “đất lành chim đậu” với các ngoại binh. Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho bóng đá VN.
Thu nhập cao cộng với môi trường sống dễ chịu… đã khiến VN trở thành nơi “đất lành chim đậu” với các ngoại binh. Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho bóng đá VN.
Tiền vệ Rogierio (SHB Đà Nẵng) – người đang xúc tiến thủ tục nhập tịch VN |
V-League 2009 đã có năm ngoại binh chuyển sang thi đấu với quốc tịch VN là Phan Văn Santos (ĐTLA), Huỳnh Kesley Alves (B.Bình Dương), Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda (HAGL) và mới nhất là Đặng Văn Robert (Ximăng Hải Phòng). Ngoài ra, hai ngoại binh khác đang xúc tiến thủ tục chuyển đổi quốc tịch là tiền vệ Rogierio (Brazil, SHB Đà Nẵng) và tiền đạo Ishamala (Congo, ĐTLA). Ở Giải hạng nhất, CLB V.Ninh Bình cũng có hai ngoại binh vừa nhận được quốc tịch VN là Đinh Hoàng La (thủ môn Mykola, Ukraine) và Đinh Hoàng Max (Maxwell, Nigeria).
Giải thích về việc xin nhập tịch VN, tiền vệ Rogierio nói: “Với trình độ của mình, nếu chơi bóng ở Brazil tôi khó lòng có được mức lương như chơi ở V-League. Dù vậy, điều quan trọng khiến tôi đưa ra quyết định thay đổi quốc tịch là do cảm nhận được mình thích hợp với cuộc sống ở Đà Nẵng, được chơi bóng trong một CLB khát khao vươn lên”.
VN sẽ không làm như Singapore Về việc các cầu thủ gốc ngoại tham gia đội tuyển VN, ông Hỷ nói: ”VFF và HLV Calisto cùng thống nhất sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triệu tập các cầu thủ gốc ngoại vào đội tuyển và dứt khoát chúng ta sẽ không làm như tuyển Singapore. Vì vậy, trong thời gian tới chỉ nên gọi các cầu thủ có cha (hoặc mẹ) là công dân VN, các cầu thủ có vợ là người VN vào đội tuyển mà thôi…”. |
Tâm sự của Rogierio cũng là tâm trạng chung của các ngoại binh còn lại khi xin nhập quốc tịch VN. Với mức lương bình quân từ 3.500 USD/tháng trở lên cùng tiền thưởng thắng trận khoảng chục triệu đồng/người… hầu hết đều thừa nhận nếu chơi bóng ở quê nhà, họ sẽ không bao giờ có nguồn thu hấp dẫn đến như vậy. Ngoài ra, các CLB cũng được lợi trong việc này bởi trội hơn đối thủ về một (hoặc hai) ngoại binh mang quốc tịch VN trên sân đấu.
Tuy ủng hộ chuyện thay đổi quốc tịch nhưng HLV Calisto cho rằng: “Ngày nào tôi còn là HLV trưởng tuyển VN sẽ không có nhiều hơn hai cầu thủ VN gốc ngoại được gọi vào đội tuyển bởi đây là nơi dành riêng cho các công dân VN thực thụ. Chỉ có họ mới cảm nhận được hết trách nhiệm, vinh dự khi được trở thành tuyển thủ VN và khi quốc ca VN vang lên trên đấu trường quốc tế…”.
Nói về vấn đề này, tổng thư ký LĐBĐ VN (VFF) Trần Quốc Tuấn cho biết: “Tôi cho rằng đó là xu thế tất yếu trong bối cảnh VN đang hội nhập cùng thế giới. Khi các cầu thủ ngoại tự nguyện làm đơn nhập tịch, VFF luôn tạo điều kiện để theo đúng nhu cầu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đội tuyển VN sẽ mạnh hơn khi có sự xuất hiện của họ…”.
Về câu hỏi: Liệu một ngày nào đó, trong đội hình ra sân của một CLB có đến ba cầu thủ nhập tịch VN + ba ngoại binh, điều này đồng nghĩa với việc mất cơ hội ra sân của các cầu thủ VN? Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trả lời: “Tôi không cho rằng việc này làm mất suất đá chính của các cầu thủ VN, bởi có mất suất hay không là ý thức của lãnh đạo các CLB. Hiện công thức đăng ký năm ngoại binh và ba trong số đó được ra sân ở V-League đang phát huy rất tốt và cả khả năng chơi bóng của họ. Nhưng đến một thời điểm nào đó, VFF sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, người hâm mộ… về việc có nên hạn chế công thức ấy hay chưa”.
Nhưng việc nhập tịch VN đối với một số cầu thủ cũng không phải là đơn giản. Chẳng hạn, Nirut và Sakda từng hứng chịu không ít sự chỉ trích của báo giới và người hâm mộ Thái Lan khi họ trở thành công dân Việt. Nirut kể: “Tôi tự hào với việc chọn lựa của mình. Do đó, tôi đã xuất hiện trên truyền hình Thái Lan để nói rõ hơn quyết định của mình về tình yêu bóng đá và Pleiku – nơi tôi đang sinh sống ở VN…”.