Loại nhiều môn Olympic khỏi SEA Games 27
Đoàn thể thao VN có nguy cơ mất gần 30 HCV chủ yếu ở các môn Olympic tại SEA Games 27 do chủ nhà Myanmar loại thể dục dụng cụ, cầu lông, bóng bàn… khỏi chương trình thi đấu của đại hội.
Thể thao VN có nguy cơ mất gần 30 HCV ở SEA Games 27 |
Trước thông tin gây sốc này, Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic VN đã có cuộc họp đột xuất dưới sự chủ trì của ông Vương Bích Thắng – tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Hụt hẫng
Trong số các môn Olympic mà chủ nhà Myanmar loại khỏi danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 27, thể dục dụng cụ (TDDC) là môn mà đoàn VN rất coi trọng. Cụ thể, tại SEA Games 26 năm 2011, TDDC đã mang về 11 HCV cho đoàn VN.
Do TDDC VN cho SEA Games 27 đã được lên kế hoạch và chuẩn bị từ cuối năm 2012, nên việc môn này không được đưa vào SEA Games 27 là điều quá đáng tiếc với đoàn VN. Ngay HCV châu Á Phan Thị Hà Thanh vì thế cũng đứng trước nguy cơ không có cơ hội dự SEA Games. Một HLV của đội tuyển TDDC chia sẻ: “Năm 2013 mục tiêu chính để chuẩn bị của TDDC là SEA Games 27, giờ lại bị ban tổ chức đại hội loại khiến thầy trò chúng tôi không khỏi hụt hẫng”.
SEA Games 27 có 444 bộ huy chương Theo thông báo của ban tổ chức SEA Games 27, dự kiến SEA Games 27 sẽ có 444 bộ huy chương ở 31 môn thi. Các môn thi của đại hội gồm: các môn thể thao dưới nước, golf, judo, vật, karatedo, rowing, canoeing, bóng chuyền, bóng đá, taekwondo, vovinam, kempo, muay, bi sắt, tarung derajat… |
Không chỉ vậy, rất nhiều nội dung quan trọng của các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng cũng bị loại khỏi chương trình của SEA Games 27. Với bơi lội, Myanmar loại hai nội dung sở trường là 50m ngửa nữ và 400m hỗn hợp nữ của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Việc hai nội dung này bị loại khiến bơi lội VN có thể mất hai HCV do trình độ của Ánh Viên hiện nay được đánh giá cao hơn cả HCV SEA Games.
Nhiều nội dung có thể đoạt HCV của bắn súng cũng bị loại khỏi SEA Games 27. Đáng lo nhất ở điền kinh, ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh, dự tính điền kinh VN có thể sẽ mất ít nhất năm HCV khi Myanmar loại một số nội dung quan trọng như: 400m rào nam, nữ; 7 môn phối hợp nữ; 10 môn phối hợp nam; nhảy ba bước… Với điều này, VĐV trẻ Quách Thị Lan (400m rào), Dương Thị Việt Anh (7 môn phối hợp), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp) đang đứng trước nguy cơ phải vắng mặt tại SEA Games 27.
Bù lại, chủ nhà Myanmar đưa vào đại hội nhiều môn mạnh của họ như: cờ Myanmar, cờ tiêu chuẩn Đông Nam Á, đua thuyền truyền thống Myanmar… Theo tính toán sơ bộ của các quan chức thể thao VN, với việc loại bỏ các môn Olympic và đưa môn mạnh của mình vào SEA Games 27, Myanmar có thể sẽ đứng trong tốp 2 của đại hội với hơn 100 HCV.
Khó đấu tranh với chủ nhà
Ngày 29-1 tại Myanmar sẽ diễn ra cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có việc tổ chức SEA Games 27. Ông Hoàng Vĩnh Giang – phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN và ông Trần Đức Phấn – vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao – sẽ tham dự cuộc họp. Ở cuộc họp này, dự kiến đoàn thể thao VN sẽ có ý kiến đấu tranh với ban tổ chức SEA Games 27 để đưa một số môn thi Olympic vào SEA Games.
Tuy nhiên, một quan chức ngành thể thao hôm qua 23-1 cho Tuổi Trẻ biết việc đấu tranh chưa chắc có thể thực hiện bởi ngay trong nội bộ của ngành thể thao VN cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng phải đấu tranh quyết liệt để đưa các môn mạnh của VN và là môn Olympic vào đại hội. Tuy nhiên có một số quan điểm cho rằng việc “xin cho, mua bán” đã trở thành việc thường của SEA Games nên rất khó để thực hiện. Cụ thể, khi SEA Games tổ chức ở quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ đưa môn lợi thế vào giành huy chương để đạt vị trí cao. Quan chức này cho hay với chiêu này, nhiều khả năng Thái Lan, Myanmar sẽ đứng đầu SEA Games 27. Đoàn VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Indonesia để giành vị trí thứ ba.