Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Một thời tung hoành sân cỏ: Quản Trọng Hùng và nỗi ám ảnh số 13

Quản Trọng Hùng là một trung vệ thép gắn với thời huy hoàng của Thể Công những năm 1970 – 1990. Ông cũng là người đứng đầu gia đình bóng đá nổi tiếng của Hà Nội với Quản Quốc Hương, Quản Trọng Bắc thi đấu cho hai đội bóng hàng đầu Thể Công và Công an Hà Nội.

Quản Trọng Hùng là một trung vệ thép gắn với thời huy hoàng của Thể Công những năm 1970 – 1990. Ông cũng là người đứng đầu gia đình bóng đá nổi tiếng của Hà Nội với Quản Quốc Hương, Quản Trọng Bắc thi đấu cho hai đội bóng hàng đầu Thể Công và Công an Hà Nội.

 

Quản Trọng Hùng  – Ảnh: N.Nguyễn

Từ trung phong thành trung vệ 

Những lúc tán chuyện bên lề sân cỏ, Quản Trọng Hùng hiếm khi nói chuyện đội bóng, đặc biệt là nhận xét về cách thi đấu hay chiến thuật của cầu thủ và HLV đội mình. Cũng không mấy khi ông kể về thời đá bóng của mình, nhưng trung vệ lừng danh sân cỏ một thời này không thể “bọc lót” mãi được những bí mật liên quan tới bản thân: Quản Trọng Hùng sợ nhất số 13. 

 

Những năm giữa thập niên 70 thế kỷ trước, Thể Công là bá chủ trên các sân cỏ miền Bắc, với lứa cầu thủ được tập huấn bài bản ở CHDCND Triều Tiên (1967) và Hungary (1968). Khi trung vệ Nguyễn Trọng Giáp vẫn là thủ lĩnh của hàng phòng ngự, Quản Trọng Hùng (1973) lúc đó nhập đội hình chính ở vị trí… trung phong. Chiếc áo đầu tiên mà Hùng được khoác lên mình mang số 13. Điểm mạnh nhất của tiền đạo số 13 này chính là nền tảng thể lực cực kỳ sung mãn. Mỗi lần hiếm hoi được vào sân là một lần Hùng “cày tung” hàng phòng ngự đối phương, nhưng ít khi ghi được bàn thắng. Trẻ, khỏe, nhiệt tình, Hùng được thử nghiệm lần lượt ở vị trí trung phong, tiền vệ trụ, hậu vệ biên và cuối cùng “đóng chốt” vai trung vệ. Chỉ khi thay số 13 bằng số 4, Hùng mới thực sự tỏa sáng, ở vị trí chốt chặn trước khung thành thủ môn Trần Văn Khánh. 

 

Quản Trọng Hùng sinh năm 1956, gia nhập đội chính Thể Công lúc 17 tuổi, vô địch quốc gia với Thể Công vào các mùa 1981 – 1982, 1982 – 1983, 1990, á quân các mùa 1984, 1986, 1989. Được gọi vào đội tuyển VN năm 20 tuổi, từ giã sân cỏ ở tuổi 39, HLV đội tuyển U.20 quốc gia năm 2000. Hiện tại là Phó GĐĐH phụ trách chuyên môn CLB Thể Công.

Sau này, khi giã từ sân cỏ và chuyển sang nghiệp huấn luyện (cuối thập niên 90), Quản Trọng Hùng vẫn bị con số 13 ám ảnh. Mùa 1999 – 2000, lần đầu tiên ông dẫn dắt Thể Công. Đội bóng quân đội lúc đó chệch choạc giữa sơ đồ 4-4-2 và 5-3-2, thi đấu thất thường, thành tích nghèo nàn, khiến Quản Trọng Hùng vốn đã bị hói đầu ở giai đoạn cuối nghiệp “quần đùi áo số”, càng rụng nhiều tóc hơn. “Sang năm 2001, đến trước vòng 13, Thể Công ở vào tình trạng sợ… ra sân, bởi cứ đá là thua. Thua Nam Định, SLNA đã đành, tới Thừa Thiên-Huế mà cũng thua thì thật không thể hiểu nổi. Lúc đó, chúng tôi cũng chịu áp lực rất lớn từ người hâm mộ và Cục Quân huấn. Khi đó, chúng tôi sợ nhất là đá tập thì hay vào sân lại chơi dở. Và cũng phải chờ tới sau vòng 13, Thể Công mới hồi phục phong độ và có chuỗi trận thắng. Đến năm 2002, tình thế cũng vậy: cứ dừng mãi ở con số 13 điểm. Vòng 10, hòa SLNA, sau đó là thua Huế, rồi CSG và tụt xuống cuối bảng xếp hạng. Phải chờ đến sau trận thắng Công an Hà Nội (CAHN) ở vòng 14 trở đi, tình hình của đội mới thực sự ổn định. Thực sự, tôi rất kỵ con số 13”, Quản Trọng Hùng nhớ lại.

 

36 tuổi vẫn “cày” 

Hỏi chuyện ông Hùng về việc bị chính CĐV Thể Công réo tên đòi từ chức, sau trận Thể Công thua T&T.HN trên sân Hàng Đẫy mới đây, ông Phó giám đốc điều hành chỉ… cười buồn: “Chẳng phải đến bây giờ tôi mới bị chửi. Ngày xưa, khi còn thi đấu, đá với CAHN hay Tổng cục Đường sắt nếu Thể Công thắng thì mọi người coi đó là chuyện thường tình. Người ta còn quan niệm, Thể Công là “thần long” thấy đầu mà không thấy đuôi, “đánh Nam dẹp Bắc”, “trăm trận trăm thắng”. Đó cũng là vì họ yêu quá, cũng vì các thế hệ đi trước đá hay quá, nên bây giờ người ta cứ lôi các anh ra để so sánh. Nhưng bóng đá mỗi thời mỗi khác, huống chi, Thể Công ngày nay thực sự không mạnh như trước nữa. Đến sau này, khi cầm Thể Công, đội thua thì người ta nói mình bán độ, bắt tay “liên minh ma quỷ”. Như hồi năm 2003, người trong nhà còn nói là “Phó giám đốc như anh Hùng mà bị khán giả chửi rủa, bị lên án trên báo như vậy thì trước tiên, anh ta hãy tự xem lại mình”. Nhưng nếu mình có chuyện khuất tất, ai chấp nhận để Quản Trọng Hùng còn làm việc cho Thể Công đến giờ này. Nghi án vẫn mãi là nghi án. Nhưng tiếng thơm, tiếng xấu thì cứ mãi đeo đẳng”. 

 

Với Quản Trọng Hùng, sự kiện bị cảnh cáo năm 2003 và Thể Công xuống hạng là những chuyện không bao giờ quên. “Có một phóng viên năm nào cũng hỏi tôi: có bao giờ nghĩ tới chuyện từ chức không? Tôi là một người lính, được quân đội đào tạo trở thành VĐV, HLV, cán bộ, giao cho trọng trách lãnh đạo đội bóng thì phải thực hiện nhiệm vụ được giao. Công việc có lúc này lúc khác nhưng để tự động rút lui thì không bao giờ”, ông Hùng khẳng định. 

 

Nói về thời thi đấu, ông chỉ mỉm cười “đá trung phong thì không bằng Cao Cường, đá tiền vệ chẳng sánh với anh Phan Văn Mỵ, đá trung vệ chắc chắn thua anh Nguyễn Trọng Giáp”, nhưng Hùng “hói” có thể tự hào ông là thế hệ thập niên 70 trụ lâu nhất ở Thể Công, cho đến năm 1992 vẫn còn thi đấu. Ông nhớ lại: “Năm đó, Hồng Sơn đã nổi lên nhưng Thể Công thiếu người quá nên tôi vẫn phải mặc áo ra sân và được đôn lên chơi tiền đạo dù bấy giờ đã 36 tuổi. Trong trận chung kết Cúp Quốc gia với Cảng Sài Gòn năm 1992, chính tôi đã ghi bàn gỡ hòa 1-1. Nhưng sau đó chúng tôi thua 4-5 trong loạt đá luân lưu 11m khiến đội nhà chỉ giành á quân”. Còn kỷ niệm đáng nhớ của ông chính là lần thi đấu với CSG trên sân Thống Nhất năm 1979: “Lúc đó, Cảng Sài Gòn đang là niềm tự hào của phía Nam, còn chúng tôi lại là đội vô địch miền Bắc nên trận đấu rất được quan tâm. Tôi còn nhớ hôm đó trời mưa lất phất, nhưng chỉ mất 17 phút, chúng tôi đã ghi 2 bàn do Phúc đá phạt góc tung lưới và Thế Anh chuyền cho Cao Cường dứt điểm. Hôm đó tôi được giao kèm Xinh và rất khó khăn vì cầu thủ Cảng chơi khá kinh nghiệm. Nhưng dù sao tôi chỉ cũng để xổng một lần khi Xinh đưa bóng cho Mười gỡ lại 1 bàn cho Cảng”. 

 

Lân la chuyện quản lý, ông cũng chỉ kể về những quãng thời gian lận đận của mình, chẳng hé mở gì về những vụ đưa Như Thuần, Bùi Đoàn Quang Huy, Vũ Công Tuyền (hồi 1997 – 1998) về Thể Công, hay lúc làm cố vấn cho Hải “trắng”, Radovic những lúc đội bóng quân đội lặn ngụp mấy năm đầu 2000. Chuyện Quốc Vượng về Thể Công hay Minh Đức, Công Vinh về “hụt” càng không thể moi được nửa lời. Dẫu vậy, ông không chỉ mang trên mình niềm tự hào là thành viên của Thể Công, mà còn hạnh phúc là người con trong gia đình họ Quản, sánh ngang nhiều gia đình bóng đá Hà Nội nổi tiếng khác như họ Lê, họ Từ, họ Đặng, họ Đoàn…

Nguồn: Theo Thanh Niên