NSƯT Lê Đức Trung- Chủ tịch Hội cổ động viên BĐVN lâm thời: “Giá như…”
Người nghệ sỹ già ấy như muốn trút hết nỗi ấm ức trong lòng khi nói về chuyện bị chính một số người tự xưng là VĐV Thể Công lăng mạ, mãi ông mới cùng chúng tôi trở lại câu chuyện chính xung quang cái gọi là “văn minh cổ động” trên các khán đài.
– Khi Hoàng Danh Ngọc giơ “ngón tay thối” về phía nhóm CĐV Thể Công bên lề trận M.Nam Định gặpThể Công, ông có được chứng kiến hay không?
+ CLB nào có cầu thủ như vậy chẳng lập tức lên tiếng “Chúng tôi luôn giáo dục cầu thủ..” nhưng tôi buộc phải suy nghĩ về cách thức giáo dục của họ. Từng theo sát các hoạt động của bóng đá Việt Nam nhiều năm, tôi biết có những CLB ngay các vị lãnh đạo, HLV cũng có những lời nói, cử chỉ thiếu văn hoá. Thử hỏi khi soi vào những tấm gương ấy, cấc cầu thủ thấy gì, học được gì?
Sau vụ việc ấy, có người hỏi tôi “có muốn thấy cầu thủ ấy bị xử lý thật nặng không?”, tôi đã đáp: Tôi không mong muốn Ngọc bị kỷ luật bằng việc những người đang mang trách nhiệm đào tạo và giáo dục cầu thủ nên tự nhìn lại mình. Gốc rễ của sự việc không phải ở hành động bột phát của một cầu thủ mới lớn.
NSƯT Lê Đức Trung- Chủ tịch Hội cổ động viên BĐVN lâm thời trong buổi giao lưu giữa hội CĐV Thể Công -SLNA và Hải Phòng |
– Tôi từng nghe ông tâm sự về mong muốn “nối vòng tay lớn” giữa hội CĐV Thể Công, nơi ông làm chủ tịch, với các hội cổ động viên trên địa bàn thủ đô như Hoà Phát HN, HN.ACB, T&T Hà Nội.
+ Thú thật là tôi chỉ mới có cuộc gặp mặt và kết giao với hội CĐV Hoà Phát HN khi nhận thấy họ có sự thiện chí. Dạo ấy chính anh Quang Tùng – GĐ Điều hành của CLB lúc còn đương nhiệm – cũng chủ động đặt vấn đề. Điều ấy cho thấy bản thân CLN HP.HN cũng quan tâm và mong muốn có được “cầu thủ thứ 12” đúng nghĩa, nên chúng tôi lập tức hưởng ứng. Còn HN.ACB thì…Theo tôi được biết, chính lãnh đạo CLB cũng không hào hứng với việc hỗ trợ, vun đắp cho hội CĐV, trong khi hoạt động của hội cũng hoàn toàn tự phát. Vì thế, tạm thời chúng tôi chưa xích lại gần nhau với họ. T&T Hà Nội thì còn mới quá…
– Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam lâm thời đã được thành lập, do ông làm chủ tịch. Vai trò và ý nghĩa của hội thế nào?
+ Đúng như tên gọi “lâm thời”, chúng tôi, những hạt nhân cốt cán của các hội VĐV địa phương – chủ động liên lạc, đến với nhau vì một niềm đam mê chung. Chúng tôi mong mỏi nâng tầm hoạt động cổ vũ cho các ĐTQG. Bên cạnh đó, hội CĐV bóng đá QG là nơi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cổ động, từ đó tạo được sự lan toả rộng khắp về văn hoá cổ vũ trên khán đài. Hiềm một nỗi, cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa thể tiến hành đại hội thành lập Hội CĐV bóng đá Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực.
– Theo ông, để nâng chất văn hoá trong hoạt động của các hội CĐV, cần quan tâm những gì?
+ Dù chỉ là những hội…chơi, nơi tập hợp một cách tự nguyện những người có cùng sở thích, thì cũng cần phải có sự quản lý, điều phối thì mới có hoạt động hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực. Mỗi CLB bóng đá nên quan tâm sâu sát hơn tới hội CĐV của mình, tạo mối quan hệ tương hỗ và gắn bó trách nhiệm với nhau để cùng phát triển. Như ở hội CĐV Thể Công, chúng tôi xem mình là một phần của CLB, sẵn sàng đón nhận chỉ đạo, hướng dẫn từ CLB, ngược lại phía CLB và nhà tài trợ cũng có những sự giúp đỡ rất thiết thực.
Nhưng cũng xin nhấn mạnh rằng không nên đồng nhất CĐV với người hâm mộ hay quảng đại khán giả của bóng đá. Giá như mỗi người tới sân xem bóng đá đều có ý thức, xem mình là một CĐV đích thực thì chắc hẳn bao nhiêu chuyện buồn đã chẳng xảy ra làm tổn hại tới sự phát triển của nền bóng đá.