Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: ‘Giấc mơ World Cup đã rất gần bóng đá Việt Nam’
Trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa trước thềm Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026), ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chủ tịch VFF, khẳng định: “Tôi tin rằng nếu tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cùng việc áp dụng những giải pháp mang tính đột phá thì chúng ta sẽ sớm có mặt tại World Cup trong thời gian sắp tới”.
04/11/2022 17:57:47
* Nhiệm kỳ 8 (2018-2022) của VFF ghi nhận rất nhiều thành công, từ thành tích trên sân cỏ của bóng đá Việt Nam ở các cấp độ cho tới công tác tài chính, nhân sự… Ở góc độ của mình, ông có lý giải như thế nào về sự thành công ấy?
– Ông Trần Quốc Tuấn: Trước tiên cần phải nói rằng nhiệm kỳ 2018-2022 là một nhiệm kỳ hết sức thành công của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tích mang dấu ấn lịch sử, chẳng hạn như đội tuyển futsal tiếp tục có mặt ở VCK World Cup diễn ra tại Litva, đội tuyển nữ Việt Nam sau quá trình đầu tư dài hạn, bài bản đã có mặt ở VCK World Cup 2023.
Bên cạnh đó, đội tuyển nam Việt Nam lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á đã thể hiện tinh thần thi đấu ngoan cường, ý chí không từ bỏ khi gặp những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia…, và đặc biệt là chiến thắng 3-1 trước đội tuyển Trung Quốc trên sân Mỹ Đình, trận hòa 1-1 trên sân khách trước Nhật Bản đã tạo được tiếng vang rất lớn với bóng đá châu Á.
Qua những sự kiện này, có thể thấy bóng đá Việt Nam ngày càng đến gần hơn với việc tiếp cận trình độ của các đội bóng hàng đầu châu lục.
Một trong những thành tích khiến người hâm mộ mong mỏi nhất là việc chúng ta đã giành được HCV bóng đá nam tại SEA Games 2019 ở Philippines sau 60 năm chờ đợi, và càng tuyệt vời hơn khi chúng ta lại tiếp tục giữ được danh hiệu ấy ở SEA Games 2021 vừa kết thúc ở Việt Nam vào tháng 5/2022 vừa qua.
Điều này khẳng định định hướng từ năm 2015 của chúng ta về việc củng cố nền tảng của hệ thống đào tạo trẻ, đặc biệt là các đội tuyển trẻ quốc gia, để liên tục có lực lượng kế thừa nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quốc tế.
Trong năm 2022 này thì Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có 3 đội trẻ lọt vào VCK châu Á. Đây là một tín hiệu và là sự khẳng định đối với sự kiên trì trong định hướng của bóng đá nước nhà.
Với những thành tích như vậy, các đội trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội thi đấu với những đội trẻ hàng đầu châu lục từ các cấp độ trẻ và nó sẽ tạo nên nền tảng rất vững chắc trong vài năm tới đây.
Điều này sẽ giúp có thêm cơ hội để hiện thực hóa những mục tiêu cao hơn ở cấp độ ĐTQG, như là hướng đến một vé tham dự World Cup trong thời gian sớm nhất, khi số lượng đội bóng ở World Cup được gia tăng từ 32 lên 48 đội vào VCK.
Trong chiến lược phát triển, chúng ta định hướng đến năm 2030 nằm trong Top 10 châu Á và phấn đấu đi World Cup. Bóng đá Việt Nam có được nền tảng từ đội trẻ tốt như vậy, tôi tin rằng nếu như chúng ta tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cùng việc áp dụng những giải pháp mang tính đột phá thì chúng ta sẽ sớm có mặt tại World Cup trong thời gian sắp tới.
* Thành công ấn tượng như vậy của nhiệm kỳ 8 có thể coi là động lực và đồng thời cũng là áp lực đối với nhiệm kỳ 9. Trên cương vị của mình, theo ông VFF cần làm những gì để bóng đá Việt Nam tiếp tục duy trì và phát huy cao hơn nữa những thành công đó?
– Ông Trần Quốc Tuấn: Có thể nói nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức ở trước mắt. Bóng đá Việt Nam đã lên được Top 100 của bảng xếp hạng FIFA và lọt vào Top 15 của châu lục. Nhiệm vụ trước tiên là duy trì thành tích này, rồi sau đó mới tìm những giải pháp đột phá để chúng ta bật lên.
Đây là một trong những khó khăn và thách thức. Để hiện thực hóa được mục tiêu này thì chúng ta phải tiếp tục kiên định trong việc đầu tư vào các lứa kế cận của ĐTQG, đặc biệt là lứa tuổi từ 19 tới 22.
Bóng đá Việt Nam cũng cần phải có những giải pháp đột phá hơn nữa trong công tác tập huấn, thông qua các mối quan hệ quốc tế. Trước đây chúng ta chỉ tập trung ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, còn bây giờ VFF đã có định hướng đưa các đội trẻ quốc gia đến tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển cao hơn để có cơ hội tiệm cận với trình độ đỉnh cao của thế giới và châu lục.
Chúng ta đã mở rộng quan hệ với các nước như là Saudi Arabia, Qatar, UAE… và vừa qua tiếp tục mở rộng quan hệ với Đức, Pháp, và cũng đã có kế hoạch để các ĐTQG có điều kiện được tập huấn ở mức độ cao hơn so với trước đây.
Ngoài ra, để bóng đá có thể phát triển thì phải tiếp tục đầu tư và tăng cường nguồn lực tài chính. Bóng đá Việt Nam muốn tiệm cận trình độ thế giới thì phải liên tục cọ xát với những đối thủ ở trình độ thế giới. Có như vậy thì mới thu dần khoảng cách và cải thiện được năng lực chuyên môn của mình, cũng như thực hiện được các kế hoạch đặt ra trong nhiệm kỳ 2022-2026.
* Nhân tiện nói tới bóng đá trẻ, xin phép được hỏi ông rằng vì sao bóng đá Đông Nam Á nói chung đều đầu tư rất nhiều cho bóng đá trẻ, nhưng chỉ có bóng đá trẻ Việt Nam đạt được thành tích tốt như vậy, nhất là trong năm 2022?
– Ông Trần Quốc Tuấn: Có thể nói về đầu tư cho bóng đá thì có rất nhiều nước và họ thậm chí còn đầu tư nhiều hơn so với chúng ta, xét về nguồn lực, về tài chính. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua những khó khăn của mình để gặt hái thành công, nhờ sự thay đổi về cách nghĩ và cách tổ chức các giải trẻ quốc gia, bên cạnh nỗ lực tuyển chọn
và đào tạo cầu thủ của các đơn vị như Hà Nội, Viettel, HAGL, SLNA, PVF…
Trước đây do đặc thù về địa lý cũng như khó khăn về vấn đề di chuyển, về nguồn kinh phí hạn chế của các đội bóng nên số lượng trận đấu được tổ chức dành cho các cầu thủ trẻ là không nhiều. Rồi các cháu còn học văn hóa và sinh hoạt gia đình, nên chúng ta gặp phải không ít hạn chế về công tác tổ chức.
Thế nhưng, trong thời gian từ năm 2015 đến nay, VFF đã có sự thay đổi trong phương thức tổ chức các giải trẻ, để tăng cao số lượng trận đấu. Trước đây các cầu thủ trẻ thường chỉ đá từ 3 tới 5 trận chính thức trong 1 năm nhưng bây giờ số lượng trận đấu như thế được tăng lên gấp đôi, gấp ba và có nhiều giải trẻ diễn ra liên tục trong hệ thống từ U11 tới U21.
Mới đây chúng ta tổ chức thêm lứa tuổi U9, để quá trình đào tạo, tuyển chọn và tham gia vào bóng đá của các CLB được sớm hơn. Như vậy, sẽ có điều kiện tốt hơn để lựa chọn, tập trung các cầu thủ năng khiếu, đồng thời cũng giúp các cháu định hướng nghề nghiệp sớm hơn.
Tuy nhiên, để đạt được mô hình chuẩn thì vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, và nỗ lực ấy phải đến từ các CLB, các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, các Học viện, và vấn đề rất quan trọng là phải tìm được nguồn tài chính để hiện thực hóa nhiệm vụ tạo sân chơi thường xuyên cho hệ thống giải trẻ, đặc biệt là lứa tuổi từ sau 15-17 tuổi, là giai đoạn bắt đầu hoàn thiện về thành tích thể thao. Nói cách khác, chúng ta phải tổ chức nhiều giải trẻ hơn nữa.
Một lý do nữa khiến bóng đá trẻ Việt Nam vừa qua gặt hái được nhiều thành tích là sự đầu tư của VFF. Trước đây các đội tuyển trẻ quốc gia thường không có các chuyến tập huấn nước ngoài, không được cọ xát ở nước ngoài trước khi thi đấu những giải lớn của khu vực và châu lục.
Thế nhưng, từ năm 2015 trở lại đây, các đội tuyển trẻ của chúng ta hàng năm đều có những chuyến tập huấn ở nước ngoài, thông qua với các mối quan hệ quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi các nước có giải trẻ quốc tế mà có quan hệ chặt chẽ với VFF thì họ mời các đại diện của Việt Nam. Nhờ thế chúng ta được quyền tham dự và có cơ hội cọ xát, từ đó trình độ của các cầu thủ được nâng cao.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này và chúc Đại hội VFF khóa 9 thành công tốt đẹp.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa