Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Thầy Giôm và những chuyện điên rồ giờ mới kể

Thầy Giôm thừa nhận, mình từng có tuổi trẻ điên rồ, từng cuồng tín một người điên rồ và sau này khi dẫn dắt U19 Việt Nam cũng có những lúc muốn học trò điên rồ.

Nhìn cái vẻ ngoài lành lành, hiền hiền theo đúng chất của một “ông giáo” ở Guilaume Graechen tôi đã nghĩ đấy là một con người mực thước, không cuồng tín bất cứ điều gì và bất cứ ai. Thế nên khi hỏi câu: “Ông thần tượng ai trong đời sống?” tôi đoán chắc câu trả lời sẽ là: “Không ai cả”. 

Vậy mà không, câu trả lời của ông vang lên đầy sôi nổi, cứ như thể mình đợi một câu hỏi như vậy từ lâu lắm rồi: “Eric Cantona! Tôi đã thần tượng anh ấy đến phát cuồng”. Ông Graechen còn bảo trong phòng riêng của mình tại Pháp, ông đã treo chi chít, kín đặc những tấm hình của Cantona, đến mức bốn bức tường trong phòng giờ không còn lại dù chỉ là một khoảng trống bé bằng bàn tay. 

Thầy Giôm không chỉ có chất của một “ông giáo” (Ảnh: Quang Minh)

PV – Vì sao lại là Cantona – cái anh chàng luôn ra sân với một chiếc cổ áo được dựng đứng, thưa ông? 

HLV Guilaume Graechen: Thứ nhất, anh ấy là cầu thủ người Pháp đầu tiên đã thành công đặc biệt ở nước ngoài. Thứ hai, anh ấy là một cầu thủ cực kỳ thông minh. Và thứ ba, quan trọng nhất: anh ấy luôn dám nói đúng, nói thật điều mình nghĩ, bất luận nó có thể làm người khác khó chịu. Ví dụ như việc ai đã âm mưu loại anh ấy khỏi ĐT Pháp, tất cả đều được anh ấy nói công khai, không sợ hãi chút nào. Tôi tin là một người như thế luôn có thể thành công trong mọi lĩnh vực mình tham gia, mà chắc anh cũng biết bây giờ thì Cantona cũng đang rất thành công trong lĩnh vực điện ảnh rồi chứ? 

Sau khi giải nghệ Eric Cantona trở thành một tài tử điện ảnh và gặt hái được những thành công khó tin.

– Vâng, tôi biết. Nhưng tôi muốn hỏi là khi Cantona thực hiện một cú kung – fu xấu xí vào một CĐV của Crystal Place, dẫn đến việc bị đình chỉ thi đấu trong một thời gian dài thì sao? Lúc ấy ông thấy thần tượng của mình là một người như thế nào? 

Ồ, đấy là một sự điên rồ không cần tìm hiểu hay kiểm chứng gì cả. Tôi đã đá bóng với em trai của Cantona, và một lần, trong một SVĐ chật kín 15 000 khán giả, khi một khán giả xúc phạm người thân của cậu ấy thì cậu ấy cũng đã lao lên khán đài, tìm bằng được người này mới thôi. Nói chung, gia đình Cantona luôn phản ứng mạnh mẽ với tất cả những ai đụng đến danh dự của mình. Cá nhân tôi nghĩ điều ấy chẳng có gì sai trái cả. 

– Ngược lại, chính sự điên rồ ấy càng khiến ông mến mộ Cantona hơn?

Có thể nói như vậy. 

– Thần tượng một người điên rồ, chắc ông cũng ít nhiều có phẩm chất điên rồ chứ?

(Cười lớn…) Hồi tôi còn trẻ bạn bè vẫn bảo tôi là người điên rồ đấy. Anh thử tưởng tượng xem, tôi chưa học nhảy cầu bao giờ nhưng dám thực hiện một cú nhảy cầu từ một khoảng cách 23m, khiến bạn bè rất bất ngờ. Nhưng đấy là hồi trẻ thôi, còn bây giờ cuộc sống đã khiến tôi trầm lại. 

– Một HLV người Pháp sang Việt Nam làm việc rồi cưới luôn một cô vợ Việt Nam, có ai bảo ông đấy cũng là một việc làm điên rồ không? Và trong tình yêu, ông liệu có điên rồ không nhỉ? 

Riêng trong tình yêu thì bạn không bao giờ được điên rồ, vì nó là một việc nghiêm túc, ảnh hưởng lớn tới cả tương lai lâu dài của bạn. 

– Tôi nhớ là trong giờ nghỉ giữa hiệp trận Việt Nam – Australia ở vòng bảng giải U19 Đông Nam Á vừa rồi, ông cũng đã đề nghị học trò của mình cần phải chơi bóng điên rồ hơn. Có vẻ như với ông, bóng đá không điên rồ không còn là bóng đá? 

Trong công tác huấn luyện dĩ nhiên người ta phải đề cao sự bài bản khoa học, nhưng khi thi đấu người ta sẽ không thể chiến thắng nếu vận dụng sự bài bản, khoa học một cách cứng nhắc. Anh hãy nhìn Messi đi, anh ấy luôn có những tình huống phá bài một cách điên rồ, và vì luôn thực hiện được những điều “điên rồ” nhất trên sân cỏ mà anh ấy đã trở thành một cầu thủ vĩ đại. Với U19 Việt Nam cũng vậy thôi, khi mọi toan tính không phát huy tác dụng, tôi cần những sự điên rồ của các học trò. 

Thầy Giôm muốn các họ trò phải có sự điên rồ trên sân bóng khi cần (Ảnh: Quang Minh) 

– Công Phượng có vẻ là người đáp ứng đầy đủ nhất cái yêu cầu điên rồ đó của ông. Công Phượng liệu có phải là người ông tin yêu nhất?

Không, tôi tin yêu cả đội như nhau, vì mỗi người thi đấu ở một vị trí khác nhau với một vai trò nhiệm vụ khác nhau nên không thể so sánh người này với người kia được. Điều quan tâm nhất của tôi là cả một tập thể này sẽ được làm quen với những trường phái bóng đá khác để rồi nhanh chóng lớn lên, và trong một ngày không xa nữa, họ có thể dõng dạc nói với mọi người rằng: chúng tôi muốn đá thứ bóng đá của chúng tôi. 

– Cái ngày không xa ấy, ông vẫn sẽ gắn bó cùng họ chứ? 

Dĩ nhiên tôi mong muốn điều đó, nhưng cuộc sống sao có thể nói trước được mọi điều. Mà vấn đề ở đây không nằm ở chỗ tôi hay một người nào đó làm HLV, vấn đề là bất luận ai làm HLV thì cũng cần giữ vững và phát triển phong cách thi đấu hiện nay, thay vì phá vỡ nó. 

– Ông Graechen này, 5 năm nữa, lứa cầu thủ U19 của chúng ta sẽ đi tới đâu: tới tầm Đông Nam Á, châu Á hay thế giới? 

Anh cứ tính đi, 5 năm nữa thì họ mới chỉ 22,23 tuổi, vẫn chưa phải là một lứa tuổi chín nhất trong nghề cầu thủ. Nhưng khi đến 25, 26 tuổi thì rất khác rồi, và khi ấy thì tôi hy vọng họ sẽ trở thành những cầu thủ Việt Nam đầu tiên được tham dự một VCK World Cup. 

– Đấy liệu có phải là một hy vọng điên rồ? 

Tôi có quyền hy vọng chứ! 

– Không nói về những điều chưa xảy ra nữa, mà trở về với những điều đã xảy ra, khoảnh khắc nào của ĐT U19 Việt Nam ông ấn tượng nhất, cho đến lúc này? 

Đó là giải vô địch U19 Đông Nam Á ở Indonesia năm ngoái, vì khi ấy mọi người còn chưa biết chúng tôi là ai. Với cá nhân tôi, giải đấu ấy giống như một chuyến phiêu lưu mà mọi kết quả không tưởng nhất đều có thể xảy ra. May mắn sao chúng tôi đã có một kết quả đẹp, và chính thức tạo ra những ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ. 

– Vậy còn khoảnh khắc cay đắng nhất? 

Đó là trận chung kết giải U22 Đông Nam Á, khi chúng ta thua Myanmar 3-4. Thực sự là trong đầu tôi, việc chiến thắng Myanmar phải là việc đương nhiên, tất yếu. Cứ xem lại trận bán kết U19 Đông Nam Á mới đây, khi ta thắng họ tới 4-1 là tôi lại càng tiếc nuối về trận chung kết ấy. Sau trận đấu ấy, tôi đã ở một mình, không liên lạc với bất cứ ai cho tới mãi trưa ngày hôm sau. 

– Còn ở giải U19 Đông Nam Á vừa kết thúc thì sao? Không biết là ông đã xem hình ảnh một cô gái khóc nấc lên vì đã không được xuống sân xin chữ ký của Công Phượng hay chưa? Những cầu thủ tuổi 17, 18 như Công Phượng liệu có bị dao động, đánh mất mình trước những cô gái cuồng tín mình như thế? 

Ở lứa tuổi của họ tình cảm nam nữ là điều khó tránh. Nhưng họ phải phân biệt được đâu là tình cảm đơn thuần của người hâm mộ và đâu là tình yêu. Nhưng như anh đã thấy đấy tôi luôn nhắc nhở các cầu thủ phải tập trung vào quả bóng thay vì bị phân tán bởi những câu chuyện bên lề, đặc biệt là khi chúng ta đang tham gia một giải đấu. 

– Cá nhân tôi thấy rằng ở giải U19 Đông Nam Á mới đây, đã có quá nhiều những lời tung hô quá đà dành cho Công Phượng và một vài cầu thủ của ĐT U19 Việt Nam. Cá biệt, có người còn gọi đấy là Messi của Việt Nam. Điều này liệu có khiến họ bị huyễn hoặc về giá trị của mình hay không, theo ông? 

Thứ nhất, họ phải thấy rằng Messi hay Maradona là những thiên tài thuộc một nền bóng đá hùng mạnh, còn họ chỉ là những cầu thủ của một trong những nền bóng đá yếu kém nhất thế giới. Trong khi Messi hay Maradona đã giành vô số các danh hiệu tầm cỡ của bóng đá thế giới thì trong tay họ vẫn là những trang sử trống không, đang chờ họ viết. 

Thứ hai, tôi muốn nói với anh rằng trong những năm qua họ đã được giáo dục một cách nghiêm túc, nên không dễ gì ảo tưởng về mình đâu. Và điều cuối cùng, ngay sau giải đấu này chúng tôi lại trở về núi (ý nói trung tâm huấn luyện Hàm Rồng – Gia Lai – PV), một nơi tĩnh lặng, vắng vẻ khác xa Hà Nội. Khi ấy các cầu thủ sẽ lại trở về với cuộc sống vốn có của mình thôi. 

– Ông Graechen này, tôi vẫn cứ muốn hỏi rằng ông có một mảy may lo sợ rằng một ngày nào đó họ sẽ không còn là họ – ngoan ngoãn, trong trẻo như bây giờ hay không? 

Không! Tôi không sợ điều đó. 

– Từ đầu câu chuyện đến giờ cho tôi một cảm giác: ông rất tự tin vào những việc mình làm, và tự tin tuyệt đối vào sự thành công của nó. 

Anh biết không, tôi là một người rất ghét thất bại. Vì ghét thất bại nên tôi không bao giờ chơi những trò mang tính chất thắng – thua kiểu như đánh bài với một người nào khác. Tôi sợ khi thất bại, tôi sẽ manh động. 

– Vậy thì cả đời, chắc ông không bao giờ bước chân vào Casino đâu nhỉ? 

Ồ, tôi đã vào, vì ở đấy tôi chỉ chơi với những cái máy. Mà khi thất bại thì tôi không điên rồ tới mức lao vào đánh nhau với những cái máy (cười…).
 
– Xin chúc ông luôn thành công với những dự định của mình, và cảm ơn ông vì cuộc đối thoại ngày hôm nay!

Được đào tạo HLV từ năm 18 tuổi 

Từ thời năng khiếu Guilaume Graechen đã gắn bó với CLB Dijon FC quê mình và năm 18 tuổi đã được CLB ký hợp đồng chuyên nghiệp. Cũng trong năm 18 tuổi, bên cạnh đá bóng, Guilaume Graechen còn học cả kế toán – nghề của bố lẫn một lớp đào tạo HLV theo yêu cầu của CLB, nhưng một năm sau thì nhận ra mình chỉ có thể tập trung toàn bộ sức lực cho bóng đá. 

Khi còn làm cầu thủ HLV trưởng ĐT U.19 Việt Nam bây giờ mang áo số 6, đá vị trí tiền vệ phòng ngự. Kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời cầu thủ ngắn ngủi của con người này là khi cùng đội bóng của địa phương giành chức vô địch U.16 của một vùng. Guilaume Graechen nhớ về trận chung kết ngày ấy: “Lần đầu tiên trong đời tôi được thi đấu trong một SVĐ chật cứng 15 000 khán giả. Với một cầu thủ trẻ, cái cảm giác được đá trong một biển người mới phấn khích làm sao!” 

 

Nguồn: Phan Đăng (CSTC)