Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Tiến tới Đại hội LĐBĐVN nhiệm kỳ V: Thử bàn về mô hình và cơ chế hoạt động của VFF khoá V

Kỳ 2: Mô hình nào cho bóng đá Việt Nam ?

11/05/2005 00:00:00

Kỳ 2: Mô hình nào cho bóng đá Việt Nam ?

Đó đang là câu hỏi được các nhà quản lý, dư luận và công luận đem ra bàn thảo, phân tích mấy tháng nay. Chúng ta đang bàn đến các khía cạnh có ý nghĩa tiêu chí của mô hình và những cơ chế đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả của LĐBĐVN.

“LĐBĐ VN cần phải xác định được hình thức tồn tại”
1. Trước nhất, theo chúng tôi, muốn chuyên nghiệp hoá mô hình, cơ chế hoạt động của LĐBĐVN phải xác định được hình thức tồn tại của Liên đoàn. Hiện nay, trên thế giới chỉ có hai hình thức tồn tại phổ biến là LĐBĐ quốc gia và LĐBĐ nhà nghề.
Trong bối cảnh chung của FIFA cũng như của AFC mà LĐBĐVN là một thành viên, thì yêu cầu đặt ra đối với LĐ là xác định được một mô hình sao cho hợp lý. Cơ chế hoạt động của LĐBĐVN phải thích ứng được với mô hình của FIFA, nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam. Sự lầm lẫn, lệch lạc về một mô hình nào đó đều sẽ dẫn đến những bất cập và làm cho LĐBĐVN không thể phát huy được hết vai trò của mình
2. Thứ hai, LĐBĐVN phải đảm bảo được những nhân tố hoà đồng với những biến chuyển của thế giới bóng đá đương đại. Bối cảnh chính của giai đoạn lịch sử hiện nay là Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với thế giới thì bản thân LĐBĐVN cũng phải có những thay đổi tương tác. LĐBĐ phải gắn kết với các tổ chức quốc tế, phải tuân thủ triệt để các điều ước và các phán quyết của toà án quốc tế (tựu trung lại là tuân thủ những nội dung của hệ thống tư pháp quốc tế). Rõ ràng rằng để hoà đồng và hội nhập được, LĐBĐVN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ.
3. Phải xác nhận rằng LĐBĐVN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp phi lợi nhuận. LĐBĐVN vốn xưa nay vẫn là một tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhận tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện để quản lý phát triển nền bóng đá nước nhà.
Bóng đá là một thương hiệu lớn, một thứ hàng hoá đặc biệt trong môi trường tiêu dùng của toàn xã hội, vì thế bóng đá có cơ hội lớn để kiếm tiền làm phương tiện thiết yếu để tổ chức hoạt động và phát triển. Cần nhớ rằng, ngay cả AFC, FIFA cũng không hề có mục tiêu lợi nhuận trong các hoạt động bóng đá của họ. Cơ hội chủ yếu để kiếm tiền của bóng đá chính là hoạt động quảng cáo, tài trợ của các tập đoàn kinh tế lớn, bán bản quyền truyền hình các hoạt động thi đấu giải, xổ số bóng đá.
Riêng Loto bóng đá (hoặc xổ số bóng đá) ở Việt Nam hiện vẫn chưa được tổ chức, còn việc bán bản quyền truyền hình thì mới manh nha phát triển với một thương số rất thấp, trong khi các tập đoàn kinh tế lớn vẫn đang đứng ở bên ngoài thị trường bóng đá, các thương hiệu của CLB và của LĐBĐVN chỉ được quảng cáo với giá trị thấp hơn giá trị vốn có của nó…

“Bóng đá là một loại hàng hoá đặc biệt mang tính xã hội”
4. Mô hình LĐBĐVN phải là mô hình của một LĐBĐ quốc gia. Chỉ một bộ phận tài chính-tiếp thị-quảng cáo là có thể theo được mô hình tài chính của một Tổng công ty. Cho dù tính đặc thù của LĐBĐVN còn rất nhiều điều đáng kể nữa, nhưng không bao giờ có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Tổng Công ty Dầu khí VN hay Tổng Công ty Bưu Chính Viễn thông được.
5. Cần hiểu rằng Bóng đá là một loại hàng hoá đặc biệt mang tính xã hội. Theo học thuyết kinh tế của Mác thì sản phẩm đó đòi hỏi phải có chất lượng cao. Chất lượng sản phẩm sẽ quyết định hàng hoá đặc biệt đó có chuyển biến từ hàng hoá sang tiền tệ hay không? Chúng ta đều biết: Sự chuyển đổi từ hàng hoá sang tiền tệ theo Mác là một quá trình đại nhảy vọt. Vai trò của tiếp thị-quảng cáo là rất lớn, nhưng cho dù có tài giỏi đến mấy, người ta cũng không thể bán những sản phẩm kém chất lượng.
Chính vì thế, để kiếm được nhiều tiền cho hoạt động và phát triển bóng đá bản thân LĐBĐVN cần nghĩ cách cải thiện chất lượng hình ảnh của mình, trước nhất phi nâng cao được chất lượng các giải đấu, nâng cao chất lượng các trận đấu của từ đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic, các đội tuyển U cho đến các CLB bóng đá. Sau 25 năm có giải Vô địch quốc gia và 5 mùa giải thử nghiệm bán chuyên nghiệp, chất lượng bóng đá của Việt Nam chúng ta vẫn còn ở mức kém phát triển, đó mới là điều đáng suy ngẫm.
6. Về mối quan hệ của LĐ với các thiết chế tài chính công và tài chính tư đã có rất nhiều điểm để bàn. Ví dụ, Luật Ngân sách Việt Nam hiện hành  quy định mọi khoản chi tiêu tiền từ các nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội đều phải tuân thủ nguyên tắc chi tiêu như ngân sách Nhà nước. Chưa kể Luật thuế và Luật Doanh nghiệp sẽ chi phối hoạt động của LĐBĐVN như thế nào khi nó là một Tổng Công ty 90, 91? Về mặt quản lý Nhà nước mọi hoạt động của LĐBĐVN đều phải chịu sự chi phối của rất nhiều Nghị định, Thông Tư Liên Bộ như các Nghị định: 03, 73, 11, 88…
Mới đây nhất Thông tư Liên Bộ Nội Vụ-UB TDTT số 01 đã quy định chặt chẽ thêm các chế định đối với các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực TDTT. Hai thành viên Chính Phủ là Bộ Nội Vụ và UB TDTT với chức năng thay mặt Chính Phủ quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực TDTT hoàn toàn có đủ thẩm quyền đình chỉ hoạt động bất cứ lúc nào đối với bất cứ Liên đoàn thể thao nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam một khi có vi phạm pháp luật.
7. Theo tôi, mô hình hoạt động hiện nay của LĐBĐ Thái Lan và LĐBĐ Malaysia đang tồn tại là mô hình có thể tham khảo thích hợp cho mô hình của LĐBĐVN trong những nhiệm kỳ tới. Muốn hoạt động độc lập hoàn toàn thì trước nhất LĐBĐVN phải hoàn toàn tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào bất cứ nguồn kinh phí nào từ kinh phí Nhà nước. Nghị định 73 về xã hội hoá ở nước ta cũng nêu rõ khuynh hướng mong đợi của Đảng và Nhà nước ta, tiến tới các tổ chức xã hội nghề nghiệp phải tự túc được 100% kinh phí hoát động trong xây dựng và phát triển.
Hiện tại, theo chúng tôi ước tính, 70% kinh phí cho xây dựng và phát triển nền bóng đá nước ta đang phụ thuộc vào kinh phí của ngân sách Nhà nước ở các địa phương và ở Nhà nước TW. Mỗi CLB chuyên nghiệp muốn tồn tại được trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam sẽ phi chi phí mỗi năm từ 3 tỉ VNĐ đến trên 10 tỉ VNĐ.
Chúng ta thử xem tình hình ở Thái Lan và Malaysia. LĐBĐ Thái Lan đã xây dựng bóng đá chuyên nghiệp từ trên 8 năm nay. Hiện Thái Lan có 12 đội Ngoại hạng, 10 đội hạng Nhất. Nguồn tài trợ chính của Thái Lan là từ các công ty xuyên quốc gia như Yamaha, Toyota, Johny Walker, Sam Sung, Coca Cola… Công ty môi giới thể thao IMG cung cấp mỗi năm cho TFF dao động từ 600.000 USD đến 1.200.000 USD, ngoài ra còn một phần ngân sách do Chính phủ Thái tài trợ cùng với các khoản thu từ bán vé, loto, bán chỗ treo các bảng quảng cáo…, mỗi năm TFF có chừng trên dưới 2 triệu USD để hoạt động. Cứ hai năm TFF lại tổ chức Đại hội toàn quốc một lần để bầu ra một vị Chủ tịch. Chủ tịch đứng ra chỉ định Hội Đồng Bóng đá Thái Lan (tức Ban Chấp hành) trong đó có PCT, TTK và những người phụ trách các phần việc trong Liên đoàn.

TFF đứng sau sự thành công của bóng đá Thái Lan

Cơ cấu tổ chức của Liên đoàn gọn nhẹ, chủ yếu là 3 ban: Tổ chức Thi đấu, Tài chính, Văn phòng. Văn phòng Liên đoàn do TTK điều hành. TTK sẽ điều hành toàn bộ công việc của Liên đoàn (trừ công việc của hai ban Tổ chức Thi đấu và Tài chính) bao gồm: Kỹ thuật, Kỷ luật, Đào tạo, Tiếp thị quảng cáo, Đối ngoại… Mọi công việc thực thi đều được báo cáo để Hội đồng bóng đá thông qua và ra quyết định.
Dưới Liên đoàn là các CLB của các ngành và địa phương, các tổ chức xã hội của bóng đá và một  số  cơ sở của tư nhân. Vậy mà bóng đá Thái Lan hiện vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á với trình độ trên hẳn một bậc so với các nước khác.
LĐBĐ Malaysia xây dựng bóng đá bán chuyên nghiệp từ 1987 đến nay. Hiện LĐBĐ Malaysia có 14 Liên đoàn các Tiểu bang và có chừng 120 đội bóng trong đó 16 đội bán chuyên nghiệp. 100% cầu thủ  của các CLB ở Malaysia là cầu thủ chuyên nghiệp với  mức lương trung bình 2.000 USD/tháng cho cầu thủ nội, từ 4.000 USD đến 5.000 USD/tháng cho cầu thủ ngoại.
LĐBĐ Malaysia (MFF) thu 20% tiền bán vé từ các CLB, cộng với tiền tài trợ, quảng cáo, mỗi năm LĐ có khoảng 15 đến 18 triệu USD. MFF chia số tiền trên cho 18 đội bóng bao gồm: 14 đội bán chuyên nghiệp cộng hai đội Quân đội và Công an và hai đội của các ngành khác. Mỗi đội bán chuyên nghiệp được chia  750.000 USD; hai đội Quân Đội và Công An, mỗi đội 300.000 USD; hai đội các ngành được mỗi đội 150.000 USD.
Mỗi CLB chuyên nghiệp được chi 75.000 USD cho chi phí quản lý hành chính; mỗi CLB được chi 40.000 USD cho công tác đào tạo trẻ và các cuộc hội thảo, 25.000 USD cho công tác đào tạo trọng tài. Hàng năm Liên đoàn cũng chi 250.000 USD cho chương trình phát triển bóng đá trẻ… Như vậy, các CLB nhà nghề ở Malaysia được LĐ chi 60% ngân sách, họ phải tự túc 40% còn lại.
LĐBĐVN đưa ra đề án cải tổ chia 2 cấp: Cấp quản lý (Ban Chấp hành gồm trên dưới 35 thành viên, là cơ quan hoạch định chiến lược và các quyết sách, hoạt động theo nguyên tắc danh dự, tự nguyện và không hưởng lương hoặc phụ cấp), cấp điều hành gồm hàng loạt các ban bệ thuộc Văn phòng thường trực, hoạt động theo nguyên tắc chuyên nghiệp có hưởng lương và phụ cấp do Tổng thư ký đứng đầu và chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ.
Phải nói ngay, đây là ý tưởng mới, hàm  chứa nhiều điều cải cách tiến bộ và có khả năng thực thi (nhưng không bao giờ cấp điều hành này có thể trở thành một Tổng Công ty 90, 91 như một số người mong đợi và chỉ có Ban Tài Chính với Giám đốc Tài chính là có thể hoạt động theo nguyên tắc Công ty và phải chịu sự chi phối chặt chẽ của Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế cùng các thể chế tài chính khác đang được hiện hành).
Như vậy, một lần nữa, theo tôi, sự độc lập (về mặt tài chính) của LĐBĐVN chỉ có ý nghĩa tương đối, phải đợi 20-30 năm nữa cùng với sự phát triển cao của kinh tế xã hội và của cải cách thể chế ở nước ta, LĐBĐVN mới có thể trở thành một chủ thể độc lập hoàn toàn về tài chính.
Đặng Lam Sơn
(Còn nữa)