Bấm "Xem ngay" để mở và xem video bóng đá!


Tiến tới Đại hội LĐBĐVN nhiệm kỳ V: Thử bàn về mô hình và cơ chế hoạt động của VFF khóa V

Kỳ 4: Đề án nào sự nghiệp phát triển và nâng cao chất lượng cuả BĐVN trong giai đoạn từ nay đến 2010 và 2020?

13/05/2005 00:00:00
Bài 4: Đề án nào sự nghiệp phát triển và nâng cao chất lượng cuả BĐVN trong giai đoạn từ nay đến 2010 và 2020?
ĐT Olympic Việt Nam đoạt HCB tại SEA Games 22
Trong 10 năm trở lại đây (1995-2005), các ĐTQG nam, nữ đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, gây được tiếng vang lớn trong khu vực. Chúng ta hãy thử thử liệt kê lại thành tích của bóng đá nước nhà:
–           Năm 1995: HCB SEA Games 18
–           Năm 1996: HCĐ Tiger Cup
–           Năm 1997: HCĐ SEA Games 19 (cả nam lẫn nữ).
–           Năm 1998: HCB Tiger Cup
–           Năm 1999: HCĐ Dunhill Cup, HCB SEA Games.
–           Năm 2001: HCV SEA Games 21 (đội nữ).
–           Năm 2002: HCĐ Tiger Cup
–           Năm 2003: HCV SEA Games 22 (đội nữ).
                                HCB SEA Games 22 (đội nam).
Thành tích thì như vậy, nhưng BĐVN còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Hiện tại, BĐVN không đồng bộ và thiếu tính hệ thống trong công tác đào tạo, thiếu nhiều yếu tố cơ bản của một nền bóng đá chuyên nghiệp, thiếu sự chỉ đạo nhất quán từ trên xuống dưới, mạnh địa phương nào địa phương ấy làm… Các điều kiện về cơ sở vật chất, chuyên môn hiện vẫn rất hạn chế. Do vậy chất lượng các đội tuyển luôn ở trong tình trạng bất ổn định, lớp cầu thủ trẻ có tài có đức để thay thế đàn anh lúc nào cũng thiếu. Đề án đào tạo bóng đá trẻ cho giai đoạn 2010 vẫn chỉ là đề án mặc dù chương trình mục tiêu của FIFA đã phê duyệt sẵn một tài khoản trị giá 500.000 USD cho chương trình này nhưng LĐBĐVN vẫn chưa thấy rục rịch giải ngân và chuẩn bị vốn đối ứng.
Trong khi đó, mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra từ nay đến năm 2010 và 2020 là phải đuổi kịp và vượt Thái Lan, trở thành một trong những đội bóng mạnh của Châu Á khi Việt Nam đăng cai ASIAD 2014. Trước mắt U23 VN và đội tuyển nữ phấn đấu đạt vị trí cao nhất tại SEA Games 23.
Tại kỳ họp Quốc Hội năm 2004, nhiều đại biểu Quốc Hội bức xúc đặt câu hỏi: liệu bao giờ BĐVN đuổi kịp và vượt Thái Lan?! Mới đây, LĐBĐ Thái cũng tuyên bố đối thủ chính của họ tại SEA Games 23 không phải Việt Nam mà là Singapore?!
Rõ ràng, để nâng cao trình độ trong 5 – 10 năm tới chúng ta phải nỗ lực vượt bậc trong đào tạo trẻ, sao cho ra lò được vài thế hệ cầu thủ có chuyên môn cao, tầm vóc thể hình tốt, đạo đức và phong cách thi đấu đầy bản lĩnh. Để đạt được mục tiêu trên, LĐBĐVN cần tập trung một số giải pháp sau đây:
“Cần thành lập những đội trẻ huấn luyện lâu dài ở các TTHL TT QG…”
– Thống nhất cao độ giữa các địa phương và TW mô hình, nội dung, phương pháp tuyển chọn và đào tạo bóng đá trẻ các hạng tuổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn về kinh tế – xã hội trong 5-10 năm tới.
– Huy động các nguồn lực xã hội từ tài chính đến nhân tài vật lực và khoa học công nghệ để phục vụ đào tạo bóng đá trẻ với chất lượng cao nhất.
– Đặt ra một lộ trình cùng với những quy chế kiểm tra, giám sát và hỗ trợ của các cơ quan chức năng của LĐBĐVN phối hợp với sự quản lý chặt chẽ về mặt nhà nước của UB TDTT trong các chu kỳ đào tạo bóng đá trẻ.
– Thành lập và cung cấp vốn đầu tư cho các trường đào tạo bóng đá trẻ ở TW và địa phương, thành lập những đội trẻ huấn luyện lâu dài ở các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (ít nhất là các đội U16, U18, U20 và U23).
– Cung ứng cơ sở nhà trường và sân bãi cùng với trang thiết bị và chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y sinh tốt đối với VĐV của các trường năng khiếu bóng đá và các đội tuyển trẻ, trên cơ sở những tiến bộ về khoa học tuyển chọn và các thiết bị hỗ trợ đào tạo huấn luyện, tập luyện của VĐV…
– Tổ chức lại hệ thống thi đấu bóng đá trẻ trong nhà trường với quy mô và chất lượng ngày càng cao để bóng đá học đường thực sự làm nền tảng cho công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện.
– Hoàn thiện cơ chế chính sách và các cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng của các CLBBĐ đối với vận động viên trẻ.
Nói tóm lại, đào tạo bóng đá trẻ đang là nhu cầu cấp bách của tiến trình phát triển. Đó cũng là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Đào tạo trẻ cần mang tính lâu dài, liên tục và cần sự chỉ đạo sát sao của nhiều ngành nhiều cấp trong đó vai trò của UBTDTT và LĐBĐVN là hết sức quan trọng. Cần huy động được những nguồn lực lớn từ Nhà nước và xã hội đóng góp cho công tác đào tạo bóng đá trẻ. Nhưng hơn hết là cần một lực lượng có tay nghề và có tâm huyết cùng với một thể chế đầy đủ và thông thoáng cho công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Đặng Lam Sơn